Tại hội nghị sơ kết hôm nay (28/6) do đại diện Bộ Tài chính chủ trì, các vướng mắc đã được thẳng thắn chỉ ra, qua đó kiến nghị các giải pháp góp phần tháo gỡ, đẩy nhanh nguồn vốn nước ngoài vào đầu tư công.
Nhiều nguyên nhân khách quan đã được đại diện các Bộ ngành chia sẻ.
Theo ông Đặng Thế Minh, Cục Quản lý Xây dựng Công trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: "Giá vật liệu thời gian qua tăng cao, khan hiếm. đặc biệt giá thép có dự án vay vốn Nhật Bản do giá thép tang nên vượt tổng mức đầu tư".
Bên cạnh các nút thắt quen thuộc như giải phóng mặt bằng, tái định cư, chậm phản hồi từ nhà tài trợ hay đầu năm vẫn phải giải ngân phần còn lại của năm ngoái, vướng mắc về thẩm định giá cũng được đặc biệt quan tâm.
"Khó khăn Bộ Công Thương gặp phải là thẩm định giá, từ năm 2022 và đến giờ chưa được giải quyết nên tỷ lệ giải ngân đến giờ là 0", theo ghi nhận từ bà Lê Thị Lan Phương, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Công Thương.
Còn đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, bà Đoàn Thanh Phượng - Vụ Kế hoạch Tài chính cho biết: "Do đấu thầu tập trung nên một dự án không thực hiện được thì các dự án khác dừng theo. Vì thế tới giờ không giải ngân được vốn nước ngoài".
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại, thẩm định giá chỉ là khúc mắc phần ngọn, quan trọng là giải quyết phần gốc rễ, liên quan tới cơ chế chung.
Đại diện Cục Nợ và quản lý đối ngoại cho rằng trách nhiệm chính vẫn thuộc các chủ dự án phải đôn đốc và sát sao với tiến độ thủ tục hồ sơ. Đại diện Bộ Tài chính cũng tiếp thu các ý kiến phản hồi, và cam kết tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi, thực hiện kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn để đảm bảo đúng thời hạn quy định, không để tồn đọng hồ sơ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!