Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu hút FDI từ đầu năm đến thời điểm 20-9-2013 đã đạt hơn 15 tỉ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vốn đăng ký của 872 dự án được cấp phép mới đạt gần 9,3 tỉ USD, giảm 7,3% về số dự án và tăng 34,9% về số vốn. Vốn đăng ký bổ sung của 340 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước là hơn 5,7 tỉ USD.
Năm 2013, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ đưa ra mục tiêu thu hút FDI đạt khoảng 14-15 tỉ USD. Nhưng tình hình thu hút FDI tốt hơn mong đợi đã giúp mục tiêu này cán đích chỉ trong 9 tháng.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng năm nay ước tính đạt 8,6 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2012.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 9 tháng tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 12,9 tỉ USD USD, chiếm 86,4% tổng vốn đăng ký; ngành kinh doanh bất động sản đạt 5,8 tỉ USD, chiếm 3,9%; các ngành khác đạt 1,44 tỉ USD, chiếm 9,7%.
Cả nước có 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 9 tháng năm nay, trong đó Thái Nguyên có số vốn đăng ký lớn nhất với 2,14 tỉ USD, chiếm 23% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Trong tháng 9, với việc cấp phép cho dự án nhà máy điện tử 1,5 tỉ USD của LG, Hải Phòng đã vươn lên đứng thứ hai trên bảng xếp hạng các địa phương thu hút nhiều FDI với 1,83 tỉ USD, chiếm 19,8%. Bình Định đứng thứ ba với 1 tỉ USD…
Trong số 45 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới vào Việt Nam 9 tháng qua, Singapore tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất với 2,69 tỉ USD, chiếm 29% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 2,2 tỉ USD, chiếm 24,1%; Nhật Bản 1,12 tỉ USD, chiếm 12,1%...