Thu phí không dừng đã “tiến” đến đâu?

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 20/12/2020 11:27 GMT+7

VTV.vn - Dù lãnh đạo cấp cao đã nhiều lần chỉ đạo, báo chí cũng nhắc đi nhắc lại, nhưng đến nay, dự án thu phí không dừng vẫn không kịp tiến độ.

Báo chí đã nhắc đi nhắc lại chủ đề này trong suốt cả năm qua và tuần này, thu phí không dừng lại quay trở lại và là đề tài được các tờ báo nhắc đến.

Ngày 31/12 tới đây, tức chỉ còn 10 ngày nữa, là mốc thời gian cuối cùng Thủ tướng Chính phủ ấn định cho các địa phương đặt trạm thu phí BOT phải lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống thu phí không dừng. Thế nhưng, liệu thu phí không dừng có thể hoàn thành trước mốc thời gian này không?

Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình thừa nhận, đối với trạm thu phí BOT Kiến Xương (Thái Bình) chắc chắn không đáp ứng được yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, bởi đến nay địa phương vẫn đang loay hoay tìm phương án tháo gỡ những khó khăn trong quá trình hoạt động của trạm.

Thu phí không dừng: Nguy cơ 3 địa phương vỡ tiến độ

Đó mới chỉ là câu chuyện từ một trạm BOT tại Thái Bình. Nhìn rộng ra, tình hình còn bi quan hơn. Một bài viết trên tờ Thanh niên cho biết, trong số 50 trạm thu phí do các tỉnh, thành phố quản lý, còn 7 trạm thuộc 3 tỉnh quản lý (Thái Bình, TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai) tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) rất chậm.

Các dự án BOT của 15 địa phương còn lại có 46 trạm thu phí, trong đó có 6 trạm đang xây dựng, chưa tổ chức thu phí. Trong số 40 trạm đang tổ chức thu, có 33 trạm đã lắp đặt xong hệ thống ETC; 7 trạm còn lại ở 3 tỉnh, thành là Thái Bình, TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai dù đang triển khai lắp đặt, nhưng nguy cơ khó kịp tiến độ hoàn thành trước 31/12.

Thu phí không dừng đã “tiến” đến đâu? - Ảnh 1.

Việt Nam mới có khoảng 1/3,8 triệu phương tiện có dán thẻ thu phí tự động. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết Bộ đã có văn bản gửi 3 địa phương trên. Theo đó, Bộ yêu cầu các địa phương này khẩn trương triển khai lắp đặt hệ thống ETC và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Đại diện Bộ này cũng cho hay, theo Quyết định 19/2020, nếu không kịp lắp đặt hệ thống ETC trong năm 2020, các trạm trên phải dừng thu phí.

Cách đây nửa năm, trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng theo ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Thứ trưởng phụ trách dự án, và 30 cá nhân đã phải kiểm điểm vì để chậm tiến độ thu phí không dừng.

Từ đó đến nay, cứ mỗi tháng một lần, một cuộc họp kiểm điểm tiến độ giữa lãnh đạo ngành giao thông với các đơn vị liên quan lại diễn ra, nhưng thời hạn đưa dự án về đích trước 31/12 vẫn đổ bể. Đây có khả năng là lần vỡ tiến độ thứ 2 sau lần lỡ hẹn đầu tiên vào cuối năm 2019.

Lãnh đạo VEC: Không còn "phép màu" nào cho thu phí không dừng

Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến cho biết, tính đến giữa tháng 12, tiến độ triển khai thu phí không dừng giai đoạn 1 của nhà đầu tư VETC mới đảm bảo 40/44 dự án. Các dự án không thể về đích là 4 tuyến cao tốc của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Trên thực tế, dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây do VEC đầu tư đã có công nghệ thu phí không dừng OBU. Tuy nhiên, công nghệ này không thể liên thông với hệ thống RFID mà VETC đang áp dụng. Với 4 tuyến cao tốc còn lại của VEC cần triển khai 395 làn ETC theo công nghệ RFID và chi phí đầu tư giai đoạn đầu là gần 400 tỷ đồng, tổng chi phí khi lắp đặt đủ là khoảng 900 tỷ đồng.

Như vậy, lãnh đạo VEC cho rằng chắc chắn là không còn phép màu nào để các tuyến cao tốc của VEC kịp triển khai thu phí không dừng trong năm nay. Ngoài 4 dự án này, Bộ Giao thông Vận tải đã xin Thủ tướng cho hoãn hoặc dừng hẳn việc đầu tư ETC tại một số dự án đường bộ trên quốc lộ. Một số tờ báo bình luận, hình ảnh thật khó coi khi "cả làng" thu phí không dừng, đường cao tốc của Nhà nước lại là nơi có tốc độ thu phí chậm nhất.

Thu phí không dừng đã “tiến” đến đâu? - Ảnh 2.

Ngày 31/12 là mốc thời gian cuối cùng Thủ tướng Chính phủ ấn định cho các địa phương đặt trạm thu phí BOT phải lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống thu phí không dừng. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Theo tờ Tuổi trẻ, thu phí không dừng không chỉ nhắm đến mục tiêu minh bạch, như với các đường BOT, mà còn tiết kiệm thời gian, tiền bạc của xã hội. Thu phí không dừng còn giúp hình thành văn hóa giao thông và cơ quan chức năng có thể kiểm soát phí thu được từ các trạm BOT.

Muốn người dân hưởng ứng thu phí không dừng phải nhanh chóng liên thông, làm thật nhanh để các tuyến cao tốc, để nhiều trạm thu phí chỉ một thiết bị, tiện lợi, khi đó người dân sẽ tự đi dán thẻ không dừng.

Cho đến nay, Việt Nam mới có khoảng 1/3,8 triệu phương tiện có dán thẻ thu phí tự động, trong đó tỷ lệ nạp tiền sử dụng dịch vụ chỉ 40%, khoảng 400.000 xe.

Trong khi đó, trên thế giới, Italy là nước đầu tiên trên thế giới triển khai một hệ thống ETC đầy đủ trên các xa lộ với quy mô quốc gia vào năm 1989. Tại Nhật Bản, ETC được ứng dụng từ năm 2001 và giờ đây đã bao trùm các hệ thống đường bộ và đường hầm với tỉ lệ sử dụng lên tới 90% chuyến đi lại. Tại Mỹ, thu phí không dừng đã được thiết lập mặc định tại các trạm thu phí ở phần lớn khu vực trên khắp cả nước.

Trong khi chúng ta vẫn bàn về câu chuyện chậm tiến độ thu phí không dừng, thì trên thế giới, các cơ quan thu phí đã bắt đầu quan tâm tới một kỷ nguyên thu phí không dừng qua điện thoại thông minh. Nhiều nước thậm chí đang cân nhắc hoặc đang thử nghiệm các hệ thống ETC sử dụng vệ tinh.

Bộ GTVT thúc 3 tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ thu phí không dừng Bộ GTVT thúc 3 tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ thu phí không dừng

VTV.vn - Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản đề nghị 3 tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Thái Bình đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí không dừng (ETC).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước