Thủ tướng: Đặc biệt ưu tiên cho giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 26/09/2022 20:17 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đặc biệt ưu tiên cho nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi.

Tiếp nối chuỗi các hội nghị nhằm góp phần phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn trong bối cảnh đang có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục chủ trì Hội nghị toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rất quyết liệt nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công và triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Về giải ngân vốn đầu tư công, 10 nghị quyết đã được ban hành, trong đó có 2 nghị quyết chuyên đề, 4 công điện, 7 văn bản chỉ đạo; tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp, thành lập 6 Tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc.

Đến nay, số tương đối giải ngân đạt gần 47%, thấp hơn 0,7% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng số tuyệt đối cao hơn 34,6 nghìn tỷ đồng do năm nay tổng vốn đầu tư công dành cho đầu tư, phát triển lớn năm ngoái khoảng 100.000 tỷ đồng.

Thủ tướng: Đặc biệt ưu tiên cho giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận một số kết quả tích cực trong việc thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng trên. Thủ tướng biểu dương 12 bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 70%, nhưng cũng phê bình 16 bộ, địa phương đạt tỷ lệ dưới 20% và nhất là việc triển khai 3 chương trình mục tiêu còn chậm, đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và có giải pháp khắc phục.

Thủ tướng nhấn mạnh, các báo cáo và ý kiến đã nêu rất cụ thể 25 tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân chính là công tác tổ chức thực hiện, trong đó chưa phát hiện, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách và các vấn đề phát sinh.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đặc biệt ưu tiên cho nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; đề cao kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm, chậm tiến độ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa, tránh thủ tục lòng vòng, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát.

"Các bộ, ngành, địa phương phải bớt dàn trải đi, ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào ra việc đấy. Nhưng các đồng chí làm ở dưới, thấy vướng mắc ở chỗ nào thì phải báo cáo, tập hợp. Khi đã báo cáo, tôi đề nghị các bộ, ngành phải làm ngay. Các Phó thủ tướng khi nhận được văn bản thì triệu tập ngay các bộ, ngành xử lý các đề xuất của địa phương", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương động viên, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, nhà thầu trước những biến động vừa qua về giá cả nguyên vật liệu, nhưng cũng kêu gọi các nhà thầu chia sẻ khó khăn với đất nước, "chung sức, đồng lòng" trên tinh thần "lợi ích thì hài hòa, khó khăn và rủi ro thì chia sẻ", không vì biến động giá mà dừng lại, cần tiếp tục thi công để đảm bảo tiến độ, đồng thời phải phối hợp để giải quyết các phát sinh hợp lý theo quy định.

Liên quan đến 3 chương trình mục tiêu quốc gia mà nhân dân, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số hết sức mong đợi, Thủ tướng yêu cầu các địa phương vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa theo các hướng dẫn của trung ương; đồng thời, các bộ, ngành phải tiếp tục rà soát, cắt bớt các quy định, thủ tục rườm rà, không cần thiết, làm tăng chi phí đầu vào và chậm tiến độ thực hiện.

Thủ tướng yêu cầu sau hội nghị này phải có chuyển biến rõ nét ở các cấp, ngành, địa phương, mang lại hiệu quả cao, tránh trường hợp "nói nhiều làm ít", nói phải đi đôi với làm để góp phần phục hồi nhanh và phát triển kinh tế bền vững nhất là trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay.

14 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 20% 14 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 20%

VTV.vn - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng là công tác tổ chức triển khai thực hiện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước