Thủ tướng giao 12 nhiệm vụ trọng tâm cho doanh nghiệp nhà nước

Việt Cường-Thứ năm, ngày 14/09/2023 21:17 GMT+7

VTV.vn - Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ 12 nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển trong doanh nghiệp nhà nước.

Hôm nay (14/9), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Hội nghị kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trước khi bắt đầu hội nghị, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cùng các đại biểu tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ và 63 điểm cầu trực tuyến đã dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ cháy nghiêm trọng tại Thanh Xuân, Hà Nội và các nạn nhân trong trận lũ quét ở Lào Cai đêm ngày 12/9.

Sau khi lắng nghe ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, địa phương, bộ, ngành, phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn, đánh giá cao sự đóng góp của doanh nghiệp nhà nước vào thành tựu chung của đất nước; chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp đang gặp phải.

Thủ tướng giao 12 nhiệm vụ trọng tâm cho doanh nghiệp nhà nước - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp nhà nước. (Ảnh: TTXVN)

Để nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng đã nhấn mạnh 6 quan điểm chỉ đạo, điều hành.

Thứ nhất, cần theo dõi sát diễn biến tình hình trong và ngoài nước, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tích tụ nhiều năm, những vấn đề mới phát sinh nhưng khó lường, khó đoán định để kịp thời đưa ra nhiệm vụ, giải pháp, chính sách sát thực tế, khả thi, hiệu quả cao.

Thứ hai, doanh nghiệp nhà nước cần phát huy tối đa nguồn lực nắm giữ (khoảng 3,8 triệu tỷ đồng) để tập trung cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Thứ ba, cần đi đầu trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, những ngành mới nổi và phát triển bền vững.

Thứ tư, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành, kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp.

Thứ năm, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, bản sắc văn hóa, đạo đức kinh doanh, nâng cao tính tự lực tự cường, đồng thời đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong doanh nghiệp.

Thứ sáu, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế để xây dựng doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt, mở đường trong phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội. Cùng với đó, Thủ tướng đã nhấn mạnh những thông điệp rất quan trọng.

Thủ tướng đã nêu rõ 12 nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển trong doanh nghiệp nhà nước, trong đó tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật để tháo gỡ khó khăn, huy động nguồn lực, phát huy nguồn lực Nhà nước dẫn dắt mọi nguồn lực xã hội, trên tinh thần phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không chỉ tái cơ cấu vốn mà cần nâng cao năng suất lao động, sản xuất kinh doanh hiệu quả, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.

Các doanh nghiệp nhà nước cần tham gia tích cực, hiệu quả vào 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực và các chương trình, dự án lớn của Nhà nước như: phát triển hệ thống cao tốc, xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội; phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao…; đồng thời, đề cao trách nhiệm xã hội; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu; tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành mới nổi; khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước, nhất là các nước lớn.

Với các các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng đã giao nhiều nhiệm vụ cụ thể và nhấn mạnh yêu cầu: tập trung cải cách hành chính, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại và đặt mình vào địa vị doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc; cương quyết xử lý những cán bộ vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực, đùn đẩy trách nhiệm…

Với các tổ chức tín dụng, Thủ tướng đề nghị, cần phát huy tinh thần linh hoạt, sáng tạo, "trong tôi có anh, trong anh có tôi", cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nút thắt về tín dụng, nguồn vốn.

Gần 680 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ tài sản hơn 3,8 triệu tỷ đồng Gần 680 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ tài sản hơn 3,8 triệu tỷ đồng

VTV.vn - Trong gần 680 doanh nghiệp Nhà nước, có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước