Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Khu vực doanh nghiệp Nhà nước đã phát triển tốt lên sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu của nhiệm kỳ này. Đặc biệt, nhiều Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đã làm ăn có lãi và có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước diễn ra sáng 21/11 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Đánh giá về kết quả cổ phần hóa và thoái vốn ở doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết đã có nhiều kết quả tích cực khi giá trị thực hiện trong 3 năm gần đây gấp 2,5 lần so với 5 năm trước đó. Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước cả về vốn, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách Nhà nước đều tăng. Mặc dù cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước không đạt được số lượng như mục tiêu đã đề ra, nhưng số tiền thu được lớn hơn nhiều lần.
Bên cạnh những kết quả đã được đề cập thì cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước trong 2 năm qua còn chậm và có khả năng không đạt kế hoạch đề ra. Nhưng điều này không đáng lo ngại bằng những vấn đề mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra tại Hội nghị này đó là hiện tượng doanh nghiệp sân trước, sân sau hay tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hóa của lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nền kinh tế Việt Nam hoạt động theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, điều này có nghĩa là quy luật giá trị được áp dụng cho các hoạt động kinh tế. Chính phủ không hành chính hóa, hay sử dụng mệnh lệnh hành chính đối với 600 doanh nghiệp Nhà nước. Chính phủ cũng kiên định lập trường thực hiện các Nghị quyết của Đảng về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, trong đó, kiên quyết chống đi đêm trong cổ phần hóa, để không làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh gần đây, có nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực và một số vụ án bị khởi tố liên quan đến cán bộ, lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty, bộ, ngành và địa phương. Việc này có nhiều nguyên nhân, vừa do cơ chế, chính sách, vừa do lỗi buông lỏng quản lý Nhà nước, đặc biệt là lỗi chủ quan của cán bộ, tổ chức. Quan điểm của Đảng, Nhà nước là tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, khắc phục khuyết điểm, hạn chế trong cổ phần hóa, thóai vốn doanh nghiệp Nhà nước.
Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng chỉ có 31 doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa trong 2 năm trở lại đây, bằng một phần rất nhỏ so với mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng cho rằng đó là do tư tưởng e ngại và tâm lý sợ mất vị trí, mất vai trò sau cổ phần hóa và thoái vốn. Bên cạnh đó là tư tưởng yên vị đã và đang kìm hãm tiến độ đổi mới doanh nghiệp Nhà nước. Thủ tướng rất hiểu tình hình, thông cảm với lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước khi một số cán bộ, lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty, bộ, ngành, địa phương bị khởi tố theo quy định pháp luật. Song Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp Nhà nước phải tập trung hơn nữa vào phát triển sản xuất, kinh doanh, không để ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Vì có Tập đoàn, Tổng công ty trong nhiều năm liền không khởi công dự án nào.
Để vừa bảo đảm mục tiêu cả về số lượng và chất lượng cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, người đứng đầu Chính phủ khẳng định sẽ xác định rõ trách nhiệm trong việc để chậm trễ trong công tác cổ phần hóa và thoái vốn. Đồng thời, Chính phủ sẽ có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn tình trạng tiêu cực trong các doanh nghiệp Nhà nước hay quá trình cổ phần hóa, cũng như không để có lỗ hổng pháp lý và tái diễn những vi phạm trong cổ phần hóa, thoái vốn.
Từ kết quả của Hội nghị này, Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị về thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!