Sáng 10/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện những tác động từ dịch COVID-19 tới các mặt của đời sống xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các dự báo mới nhất của các định chế kinh tế quốc tế đều đã cảnh báo thế giới khó tránh khỏi một cuộc suy thoái toàn cầu. Tổ chức Fitch dự báo, năm nay, tăng trưởng GDP toàn cầu âm 1,9%, Mỹ là âm 3,3%, EU âm 4,2%, Hàn Quốc 0,2%, Trung Quốc chỉ tăng trưởng trên 1,5%.
Thủ tướng nhấn mạnh, so với cuộc khủng hoảng tài chính cách đây hơn 10 năm, lần này thế giới khó khăn hơn nhiều. Một cú sốc toàn cầu, một cuộc suy thoái đang diễn ra nghiêm trọng nếu như đại dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng. Hơn 1 tháng qua, chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới gần như đồng loạt đưa ra các gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử nhằm giúp các nền kinh tế vượt qua suy thoái.
Thủ tướng nhấn mạnh, ở Việt Nam, ngoài gói hỗ trợ 98% các doanh nghiệp doanh nghiệp bằng chính sách tài khóa có quy mô 185.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ bằng chính sách tiền tệ được mở rộng lên 300.000 tỷ đồng, Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng gói chính sách miễn, giảm phí, lệ phí với dự kiến ban đầu khoảng 40.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, qua hội nghị này, các Bộ, ngành và địa phương phải thay đổi cách làm, quyết liệt hơn. Tinh thần chung là càng khó khăn, càng tập trung cải cách, hoàn thiện các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính để tạo mọi thuận lợi, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
Trong sáng nay, lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương đều khẳng định các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gần đây rất kịp thời, góp phần đưa đất nước vượt qua giai đoạn rất cam go hiện nay, đồng thời cũng kiến nghị với Chính phủ các giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và giải ngân vốn đầu tư công.
Trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, sau hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị quyết với những biện pháp cấp bách, đúng và trúng để các bộ ngành và địa phương hành động nhanh và sớm nhất, có thể là từ cuối quý II, nếu đại dịch qua đi, nền kinh tế sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!