6 tháng đầu năm 2016, Công ty Đạm Ninh Bình tiếp tục lỗ gần 500 tỷ đồng, cộng số lỗ trong năm 2013 và 2014, lỗ lũy kế của công ty đã lên tới gần 2.700 tỷ đồng. Đây là ví dụ mới nhất của một thực trạng đang xảy ra với nhiều dự án của các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay, nhận được rất nhiều những ưu đãi từ Nhà nước, nhưng kết quả lại là những con số lỗ lớn và rồi mong chờ nhà nước giải cứu.
Báo Tuổi trẻ cho biết, dù được Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đầu tư tới 667 triệu USD (tức gần 11 nghìn tỉ đồng) và được nhiều ưu đãi, nhưng Tập đoàn Hóa chất đã quyết định vay vốn từ Trung Quốc 250 triệu USD để làm nhà máy. Và không bất ngờ, một Tập đoàn của Trung Quốc đã được chọn làm tổng thầu thực hiện dự án. Để rồi, theo Tổng Giám đốc Công ty Đạm Ninh Bình Vũ Văn Nhẫn, trong khi đa số các nhà máy sản xuất ure trên thế giới sản xuất đạm từ khí đồng hành khi khai thác dầu, Đạm Ninh Bình lại sử dụng công nghệ sản xuất từ than, khiến chi phí sản xuất cao hơn, dẫn đến nhà máy bị lỗ.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, để giải quyết vấn đề của Đạm Ninh Bình, điều cần làm không phải là nhà nước đổ tiền vào cứu hay là lập ra thêm các cơ chế ưu đãi. Thay vào đó, cần tiến hành bán lại cho tư nhân hoặc tiến hành cổ phần hóa từng hạng mục, khi tư nhân bỏ vốn ra làm chắc chắn đồng tiền sẽ được sử dụng tiết kiệm và hiệu quả hơn, chứ không bị sử dụng lãng phí, bừa bãi như cách mà nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn đang làm thời gian qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!