Ngày 30/6 tới đây là thời điểm các tổ chức tín dụng phải hoàn tất việc tất toán các khoản huy động và cho vay bằng vàng. Và khi dư luận tưởng rằng thời kỳ các NHTM huy động vàng để kinh doanh đã sắp chấm dứt thì hiện nay lại đang nở rộ một loại hình dịch vụ mới tại rất nhiều ngân hàng: dịch vụ “giữ hộ vàng” với nhiều nghi vấn rằng đây thực chất chỉ là “bình mới rượu cũ” để các ngân hàng huy động vàng.
“Giữ hộ vàng” - Tên gọi của một loại hình dịch vụ đang được rất nhiều các NHTM triển khai. Giữ hộ chứ không phải là huy động. Vì người gửi sẽ phải mất phí để được ngân hàng “giữ hộ” vàng, chứ không phải là được nhận lãi suất như trước kia.
Các ngân hàng đều có hợp đồng “giữ hộ vàng” kèm theo tờ rơi quảng cáo loại hình dịch này. Có một điểm đáng lưu ý là trong bản hợp đồng không hề có một phần nào ghi lại số serie những miếng vàng mà khách hàng muốn gửi cũng như không có một điều khoản nào rõ ràng quy định việc ngân hàng sẽ phải trả lại đúng những miếng vàng đã nhận giữ hộ. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem dịch vụ “giữ hộ vàng” hiện nay tại một số NH là như thế nào?
Qua tìm hiểu từ các giao dịch viên của một số ngân hàng về dịch vụ này, chúng tôi được biết Ngân hàng không thể ghi tên đúng của khách hàng nhờ “giữ hộ” vàng mà chỉ lưu trong 3 ngày để đem đi kiểm định. Nếu không có vấn đề gì, vàng sẽ được lưu thông. Và lúc khách hàng nhận lại thì chưa chắc được lấy đúng vàng của mình, chỉ biết là vàng đủ tiêu chuẩn.
‘ Ảnh minh hoạ
Dựa trên những bằng chứng mà nhóm phóng viên thu thập được, các chuyên gia kinh tế nhận định, rõ ràng là đã có những kẽ hở để các NHTM có thể lách quy định cấm huy động vàng.
Ông Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế nhận định: “Tôi cho rằng về mặt nguyên tắc thì tài sản cá nhân khi được NH giữ hộ thì NH không được phép sử dụng hay là đem tài sản đó ra để kinh doanh và phải trả lại nguyên gốc, nguyên bản. NH chỉ làm nhiệm vụ “giữ hộ” và đó là lý do tại sao họ phải thu phí. Thế còn với một bản hợp đồng mà các điều kiện ràng buộc về tài sản đã gửi quá sơ sài như vậy cho thấy NH hoàn toàn có thể sử dụng những tài sản, cụ thể ở đây là vàng SJC được gửi vào NH để kinh doanh”.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền, vàng có thể được quay vòng và như thế tức là biến tướng của hình thức huy động vàng. Người dân sẽ rất thiệt thòi khi họ không lấy lại được vàng theo số serie mà họ gửi lúc đầu. Thế nên, khách hàng sẽ rất băn khoăn khi giao dịch với các tổ chức tín dụng theo kiểu hợp đồng như vậy.
Phản ánh câu chuyện này tới NHNN, Phó Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết NHNN đã ban hành những quy định để kiểm soát hoạt động "giữ hộ vàng" của các NHTM. Tuy nhiên, với những nghi vấn đang được đặt ra, NHNN sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra.
Như vậy ngày 30/6 này là thời điểm các NH phải kết thúc việc tất toán các khoản huy động và cho vay bằng vàng. Theo thông tin từ phía NHNN, gần như toàn bộ các NHTM đã hoàn thành yêu cầu này. Thế nhưng, những miếng vàng trong két sắt được các NH nói là chỉ để “giữ hộ” có thực sự không phải là vàng huy động để kinh doanh hay không thì vẫn phải chờ kết quả thanh tra của NHNN.