Thúc đẩy chuyển đổi xanh

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 25/05/2024 07:34 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam đang có nhiều hành động để hướng tới phát thải ròng bằng 0 theo cam kết.

Việt Nam đang có nhiều hành động để hướng tới phát thải ròng bằng 0 theo cam kết. Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất cũng là để đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu và Chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là một trong những nội dung tại Diễn đàn quản trị cấp cao Việt Nam - Singapore diễn ra tại Hà Nội.

Bộ tiêu chuẩn đo lường thực hành xanh của doanh nghiệp ESG gồm Môi trường - Xã hội - Quản trị. Nhiều ngân hàng và các quỹ đầu tư toàn cầu đang coi bộ tiêu chuẩn này là điều kiện quan trọng trong các quyết định đầu tư, cho vay đối với các dự án, doanh nghiệp trong quá trình triển khai.

Bà Phạm Thị Thu Hằng - Giám đốc Diễn đàn Quản trị cấp cao Việt Nam – Singapore cho biết: "Tất cả các ngân hàng, các tổ chức tài chính đều có các bộ tiêu chí để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn tài chính xanh và bền vững. Câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược ESG chưa và đưa tính bền vững vào giá trị cốt lõi của mình chưa".

Tài chính xanh đã triển khai tại Việt Nam hơn 10 năm. Tính đến quý I năm nay, dư nợ đạt gần 637.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, nhưng theo các chuyên gia, quy mô tín dụng xanh còn nhỏ so với tổng dư nợ nền kinh tế.

GS. Hao Liang - Đồng Giám đốc Trung tâm Tài chính xanh Singapore nêu ý kiến: "Ngày càng nhiều kênh cung ứng vốn vay cho các doanh nghiệp hiện nay, từ các ngân hàng cho đến quỹ đầu tư của Singapore. Như vậy cần có danh mục phân loại xanh để các đơn vị có cơ sở để đánh giá cụ thể đối với từng khách hàng, doanh nghiệp trong quá trình thẩm định cho vay, phù hợp với đặc thù hoạt động kinh doanh, chuyển đổi công nghệ chẳng hạn".

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có vai trò quan trọng, cũng như tích cực trong quá trình chuyển đổi xanh đối với khu vực và toàn cầu khi tham gia vào hầu khắp các chuỗi cung ứng. Vì vậy, chuyển đổi xanh là không thể đảo ngược.

Ông Shai Ganu - Thành viên Hội đồng Chuyên gia về Quản trị và Khí hậu, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) chia sẻ: "Việt Nam có vai trò quan trọng trong tiến trình này. Chúng tôi đánh giá cao cam kết của Việt Nam phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cùng với các kế hoạch hành động cụ thể quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, thực hiện kiểm kê khí nhà kính… Quan trọng là cần có sự phối hợp công - tư để phát huy hiệu quả của chính sách".

Thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, vốn FDI trong năm ngoái đổ vào lĩnh vực tăng trưởng xanh, bên vững vào Việt Nam tăng trung bình 10 - 13%/năm, cho thấy uy tín của Việt Nam khẳng định những cam kết chuyển đổi xanh, nhưng cũng đặt ra các áp lực các chính sách thu hút đầu tư phải thay đổi để thích ứng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước