Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước, thu hút vốn đầu tư xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tại các nghị quyết của Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước ngay từ đầu năm kế hoạch cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân và chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán, thủ tục đấu thầu; xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, từng quý, phấn đấu đến quý IV giải ngân 90% kế hoạch năm 2021 được giao.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước ngay từ đầu năm cho các dự án đủ điều kiện. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Căn cứ dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ thông báo, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung lựa chọn danh mục dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thiện thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cấp mình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ tiếp tục rà soát hành lang và khuôn khổ pháp lý về đầu tư, ngân sách đặc biệt là vốn ODA một cách đồng bộ và minh bạch, trong đó đổi mới công tác quản lý, giải ngân và sử dụng vốn ODA, cần xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án ODA gắn liền với đảm bảo nguồn vốn đối ứng cho các dự án này, quy trình tổng hợp phân bổ vốn ODA gắn liền với vốn đối ứng; đẩy mạnh các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư để khơi thông vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài cho các dự án hạ tầng giao thông...
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thực hiện chuyển đổi số trên mọi cấp độ từ quốc gia tới địa phương và doanh nghiệp; trước mắt cần tập trung thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 cho hơn 800.000 doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
"Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, sau đó là tại các TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, để "hoàn chỉnh vòng kết nối"; quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, cung cấp các cơ sở nghiên cứu, không gian làm việc, thử nghiệm sản phẩm và điều kiện hạ tầng tốt nhất phục vụ cho nghiên cứu phát triển; tập trung hoàn thiện, triển khai các đề án lớn về kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!