Nếu năm 2016, các bộ, ngành và địa phương giải ngân được hơn 231.000 tỷ đồng, thì tính từ đầu năm đến đầu tháng 12/2020, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 356.000 tỷ đồng. Kết quả giải ngân này cao hơn 12,4% so với cùng kỳ năm 2019 và cao nhất trong 5 năm.
Năm 2020, giải ngân đầu tư công không chỉ tăng về vốn, mà công tác đầu tư cũng đã đi vào thực chất hơn. Các dự án đầu tư công bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định, tạo nên sức bật mới cho kinh tế địa phương, vùng và quốc gia, trở thành một động lực để nền kinh tế chống đỡ với khó khăn do COVID-19.
Kết quả trên có được là nhờ sự chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 9 Bộ, cơ quan trung ương và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 85%. Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 5 năm qua.
Năm 2020 được đánh giá là thời điểm khá thành công trong công tác giải ngân đầu tư công. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Năm qua, ngành giao thông đã đồng loạt triển khai nhiều dự án quan trọng quốc gia, trong đó nhiều đoạn của dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam phía Đông tuy mới được khởi công, nhưng tỷ lệ giải ngân tổng thể đã đạt gần 73% và nhiều dự án khác cũng vượt mức giải ngân vốn đầu tư công chung của cả nước.
Các nhà phân tích cho rằng vẫn còn khá nhiều dư địa để đẩy mạnh khối lượng giải ngân đầu tư công nếu như nhiều vướng mắc được tháo gỡ.
Còn nhiều dư địa trong giải ngân đầu tư công
Tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng, đồng thời liên quan đến giải phóng mặt bằng của hơn 500 hộ dân và 13 tổ chức, tuy nhiên sau 7 tháng triển khai, tiến độ giải ngân của dự án giao thông do tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư đã đạt được hơn 90%. Dự kiến, ngay trong tháng này sẽ hoàn thành dự án.
"Trong công tác giải phóng mặt bằng, TP Hạ Long đã dồn lực để thực hiện di dời tất cả các hộ dân và chúng tôi huy động tối đa máy móc. Chính vì vậy trong 7 tháng chúng tôi đã hoàn thành xong dự án", ông Hoàng Văn Bình, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh, cho biết.
Đến thời điểm này, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Ninh đạt hơn 90% trong tổng số gần 13.000 tỷ đồng theo kế hoạch được giao.
Đại diện địa phương này cho biết, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tỉnh đã đồng loạt áp dụng nhiều giải pháp từ giải phóng mặt bằng, tăng ca, tăng kíp trên các mũi thi công, đặc biệt là gắn trách nhiệm cá nhân theo từng mốc thời gian cụ thể.
"Chúng tôi đã đề ra những mốc cụ thể, như trước 30/3, yêu cầu các chủ đầu tư phải thực hiện xong công tác chuẩn bị đầu tư, đến 30/6 phải hoàn thành xong công tác lựa chọn nhà thầu, đến 30/9 phải hoàn thành giải ngân 100% số vốn được giao", ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, cho hay.
Nằm trong nhóm khối lượng giải ngân vốn đầu tư công cao nhất của cả nước, đến nay các chủ đầu tư thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân được hơn 90% trong tổng số 40.000 tỷ đồng vốn đầu tư công.
Nhiều đoạn của dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam phía Đông tuy mới được khởi công, nhưng tỷ lệ giải ngân tổng thể đã đạt gần 73%. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, năm nay tuy gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng Bộ đã có chỉ đạo ngay từ đầu năm, gắn trách nhiệm cá nhân đến từng dự án. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công sửa đổi đã cho phép các chủ đầu tư chuyển vốn từ dự án chậm sang dự án có tiến độ triển khai nhanh đã tạo sự linh hoạt trong giải ngân đầu tư công, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, năm nay tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt cao nhất trong 5 năm.
Năm 2020 được đánh giá là thời điểm khá thành công trong công tác giải ngân đầu tư công. Dù ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, nhiều vướng mắc trong thủ tục hành chính vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đây chính là dư địa để có thể đẩy mạnh giải ngân đầu công trong một năm nữa. Đặc biệt, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài còn lại tương đối lớn.
Đó là những ghi nhận về dư địa để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công ở góc độ giao thông. Tuy nhiên, 13 Bộ, cơ quan trung ương và 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó có hơn nửa giải ngân đạt dưới 30%. Rõ ràng, nhiều vướng mắc lớn vẫn chưa được giải quyết.
Đặc biệt, công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù, di dời các công trình tiện ích, chồng lấn về công tác thi công... là những nút thắt lớn nhất trong giải ngân vốn đầu tư công.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!