Thúc đẩy nhanh việc xây dựng đường sắt liên vận Việt – Trung

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 09/10/2024 06:13 GMT+7

VTV.vn - 14 giờ là thời gian vận chuyển hàng hoá từ ga Nam Ninh (Trung Quốc) đến ga An Viên (Việt Nam), chỉ bằng 1/3 thời gian vận chuyển bằng đường bộ hoặc đường biển.

Nhu cầu vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc rất phong phú, đa dạng; khối lượng vận chuyển ngày càng tăng cao nhưng tàu liên vận giữa hai nước từ năm 2017 đến nay hiệu quả còn hạn chế.

Nguyên nhân là do hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa hoàn thiện. Đây cũng là những rào cản lớn nhất của chúng ta trong việc thông thương bằng đường sắt hiện nay.

14 giờ là thời gian vận chuyển hàng hoá từ ga Nam Ninh (Trung Quốc) đến ga An Viên (Việt Nam), chỉ bằng 1/3 thời gian vận chuyển bằng đường bộ hoặc đường biển. Thế nhưng, sau gần 6 năm đi vào hoạt động, tuyến liên vận Hà Nội - Đồng Đăng - Nam Ninh mới chỉ có 3 chuyến/tuần do hạ tầng xuống cấp. Còn Hà Nội - Lào Cai đi Hà Khẩu Bắc (vào Vân Nam Trung Quốc) tần suất khai thác rất ít do khổ đường ray không tương đồng.

Thúc đẩy nhanh việc xây dựng đường sắt liên vận Việt – Trung - Ảnh 1.

Hiện nhu cầu vận chuyển hàng hoá Việt - Trung ước tính khoảng 8-9 triệu tấn/năm

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết: "Từ Côn Minh đi về Việt Nam nối thông các tuyến đường sắt đó gặp trở ngại cho nên ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các phía".

Hiện nhu cầu vận chuyển hàng hoá Việt - Trung ước tính khoảng 8-9 triệu tấn/năm, tuy nhiên, chúng ta mới chỉ đáp ứng được 1/3 khối lượng vì thế phát triển đường sắt liên vận sẽ giúp thúc đẩy đáng kể sự tăng trưởng của thương mại song phương.

Ông Trần Tiến Cảnh - Cục trưởng Cục Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải nhận định: "Ngoài tuyến đường sắt hiện tại, chúng ta cần nâng cấp để vận chuyển các mặt hàng truyền thống như quặng, apatit, các luồng hàng và khách hàng mới cũng cần phải có tuyến đường sắt mới để đảm nhận khoảng 15 triệu hành khách một năm và 18 triệu tấn hàng hoá một năm, do đó chúng ta cần thiết phải đầu tư sớm tuyến đường sắt này".

Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, một trong các tuyến đường sắt liên vận chủ đạo sẽ là tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, dài 380 km, đường đôi khổ 1.435 mm. Đây là tuyến đường sắt xuyên Á, giúp Việt Nam kết nối với Trung Á và châu Âu, giúp Trung Quốc kết nối với ASEAN qua Việt Nam

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải chia sẻ: "Tư vấn trong nước phối hợp với Cục 5 đường sắt Trung Quốc đang lập báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, trong đó phương án chúng tôi đánh giá dựa trên nhu cầu vận tải từ nay đến năm 2030 và từ năm 2030 đến năm 2050 để đưa ra các phương án đầu tư tối ưu đảm bảo phát huy hiệu quả của đường sắt".

Theo các số liệu đánh giá, các tuyến đường sắt liên vận được xây dựng và đưa vào khai thác sẽ góp phần giúp hai nước Việt Nam - Trung Quốc giảm chi phí logistics, giảm giá thành và nâng sức cạnh tranh của hàng hóa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, từ đó đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước