Thúc đẩy tài chính toàn diện và bền vững thông qua chuyển đổi số

VTV8-Thứ tư, ngày 12/04/2023 10:50 GMT+7

VTV.vn - Trong bối cảnh nền kinh tế còn những thách thức như hiện nay, chuyển đổi số đang được đánh giá là một trong những giải pháp quan trọng để các doanh nghiệp.

Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, các chuyên gia đánh giá, chuyển đổi số là một quá trình liên tục và lâu dài. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế còn những thách thức như hiện nay, chuyển đổi số đang được đánh giá là một trong những giải pháp quan trọng để các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm phần lớn trong nền kinh tế và trên thị trường chứng khoán khoán hiện nay, giúp họ cắt giảm chi phí, gia tăng hiệu suất, cũng như tăng trưởng toàn diện và bền vững.

Thúc đẩy tài chính toàn diện và bền vững thông qua chuyển đổi số - Ảnh 1.

BTV Mùi Khánh Ly: Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức sau đại dịch như hiện nay, các ông đánh giá như thế nào về vai trò của chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển Ngân hàng số BIDV:

Như mọi người cũng đã thấy, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có những quyết sách phát triển mạnh mẽ về chuyển đổi số. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, chuyển đổi số như một cú hích quan trọng, thậm chí là tạo ra xung lực rất mạnh để cho tất cả các tổ chức thực thi chiến lược chuyển đổi số. Đặc biệt, trong lĩnh vực ngân hàng, giai đoạn vừa qua, hoạt động chuyển đổi số đã diễn ra rất mạnh mẽ. Nếu tính toàn lĩnh vực ngân hàng thì riêng giao dịch trong năm 2022, qua hệ thống chuyển mạch quốc gia, chúng tôi đã ghi nhận số lượng giao dịch tài chính bằng 3 năm trước đó cộng lại. Ở trong phạm vi của ngân hàng chúng tôi ghi nhận số lượng tăng trưởng mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như đối với các khách hàng bán lẻ, khách hàng cá nhân thì lượng giao dịch qua các kênh số tăng trưởng trong năm 2022 gấp đôi so với năm trước và bằng 5 năm trước cộng lại. Đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong hai năm 2021, 2022, khi mà đại dịch xảy ra thì các giao dịch chuyển dịch trên không gian số rất mạnh mẽ.

Ông Trần Đăng Hoà, Chủ tịch Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT:

Theo tôi, đầu tiên có thể làm rõ về định nghĩa chuyển đổi số là gì? Theo Gartner, chuyển đổi số tương tự như chất xúc tác, chứ không phải là chi phí, tức là chuyển đổi số sẽ giúp tất cả các hoạt động kinh tế phát triển. Theo dữ liệu thống kê thực tế, bất kể khi nền kinh tế đi xuống hoặc đi lên thì chi tiêu cho chuyển đổi số vẫn được duy trì. Ở Việt Nam, quý I chúng ta đánh dấu một chút sụt giảm về GDP, tuy nhiên, mục tiêu của cả năm vẫn là 6,5%. Trên thế giới, kinh tế cũng bị ảnh hưởng nhưng họ không cắt giảm các hoạt động liên quan chuyển đổi số nên rất hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam cũng theo xu hướng của thế giới, vẫn duy trì đầu tư cho chuyển đổi số vì nó chính là chất xúc tác cho hoạt động kinh doanh phát triển.

BTV Mùi Khánh Ly: Hiện, đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, những đối tượng chiếm phần lớn trên sàn chứng khoán, cũng như đang chiếm đến 96% tổng số doanh nghiệp cả nước và cũng là các đối tượng đang gặp nhiều khó khăn nhất khi nền kinh tế có nhiều thách thức, vậy đâu là những giải pháp công nghệ cho những doanh nghiệp này, theo hai ông?

Ông Trần Đăng Hoà, Chủ tịch Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT:

Đó là những đối tượng tuy là doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng theo thống kê thì tổng số doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã chiếm đến gần 40% GDP của Việt Nam. Đây là con số không hề nhỏ và bây giờ họ nhỏ nhưng tương lai họ sẽ thành doanh nghiệp lớn. Vì vậy, đây chính là những đối tượng cần được hỗ trợ, thúc đẩy phát triển vì họ là tương lai của đất nước. Và rất may mắn khi có những chính sách từ phía Nhà nước, các cấp chính quyền, các ngân hàng, các doanh nghiệp…mọi người đều đánh giá cao về chuyển đổi số và vai trò quan trọng của nó. Chúng tôi cũng có một số giải pháp phục vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ như akaBot hay Ubot. Và khi quan sát khoảng 10.000 khách hàng đang sử dụng hệ thống của chúng tôi, dữ liệu thực tế chỉ ra rằng, khi các doanh nghiệp càng thực hiện chuyển hưởng số, càng ứng dụng công nghệ thì hoạt động kinh doanh càng tốt lên. Ngoài ra, chuyển đổi số cũng giúp tiết giảm chi phí như giảm thời gian sử dụng tác vụ, giảm thời gian chờ, giảm nhân công… cũng phải đến vài chục phần trăm.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển Ngân hàng số BIDV:

Theo quan điểm của chúng tôi, chuyển đổi số là một quá trình chứ không phải một dự án có điểm đầu và điểm kết thúc, mà chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tăng trưởng, giúp họ giảm chi phí, giúp họ xây dựng được các cơ hội kinh doanh khác. Đó mới là điều quan trọng hơn.

BTV Mùi Khánh Ly: Còn phía ngân hàng đã ứng dụng công nghệ như thế nào để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh khó khăn như hiện nay?

Thúc đẩy tài chính toàn diện và bền vững thông qua chuyển đổi số - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển Ngân hàng số BIDV:

Trong giai đoạn dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể, đầu năm 2022, chúng tôi đã có những khoản tín dụng mạnh mẽ với lãi suất phù hợp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, chúng tôi đi tìm kiếm các nguồn vốn từ bên ngoài để hỗ trợ thêm cho họ. Và quan trọng nhất là chúng tôi đã hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong công tác chuyển đổi số, chẳng hạn như kết nối API, hay là quản lý dòng tiền trên không gian mạng, hoặc đăng ký khoản vay online… Chúng tôi đã chia các doanh nghiệp vừa và nhỏ thành mấy nhóm, nhóm những những doanh nghiệp chưa có nền tảng công nghệ tốt, nhóm thứ hai là nhóm các doanh nghiệp có nền tảng công nghệ vừa phải và nhóm doanh nghiệp thứ ba là nhóm biết tận dụng cho công nghệ tốt để có những giải pháp hỗ trợ cho họ quản trị, đặc biệt là giảm rất nhiều chi phí cho các doanh nghiệp. Như ngày xưa các doanh nghiệp tìm kiếm một khoản vay, có thể họ rất vất vả và chi phí rất lớn, nhưng ngày nay với sự hỗ trợ của công nghệ thì thông qua một chiếc điện thoại thôi hay chỉ cần lên trang web, họ có thể đăng ký khoản vay rất nhanh, thậm chí dưới 3 phút là có thể giải ngân khoản vay rồi.

Còn đối với ngân hàng chúng tôi thì chúng tôi đã chọn phương án sẽ hơi vất vả, tức là không chọn tìm những cái điểm nào đó để chuyển đổi số mà quyết định chuyển đổi số toàn diện từ phục vụ cho khách hàng, cho đến việc xây dựng hệ sinh thái số. Đặc biệt là nhân lực số và văn hóa số, đây là hai yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định sự thành công của chúng tôi trong chuyển đổi số.

BTV Mùi Khánh Ly: Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn không ít doanh nghiệp băn khoăn về các giải pháp chuyển đối số được cung cấp bởi các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam so với nước ngoài, các ông nghĩ sao về điều này?

Thúc đẩy tài chính toàn diện và bền vững thông qua chuyển đổi số - Ảnh 3.

Ông Trần Đăng Hoà, Chủ tịch Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT:

Đó là sự thực cách đây khoảng tầm 5 năm, nhưng hiện tại tôi tin là những lo ngại đó đã giảm đi rất nhiều. Hiện tại, các sản phẩm make in Việt Nam đang khá được tin dùng, điểm thứ hai là nếu so sánh với các sản phẩm nước ngoài thì sản phẩm của Việt Nam có một lợi thế rất lớn đó là đặc tính bản địa, về mặt này thì sản phẩm của Việt Nam sẽ có lợi thế hơn hẳn so với các sản phẩm quốc tế.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển Ngân hàng số BIDV:

Tôi hoàn toàn đồng ý với ông Hòa. Thực ra, chúng tôi bây giờ rất tôn vinh các sản phẩm Việt Nam. Ngoài ra về khía cạnh ngân hàng, tại các sự kiện lớn, có thể thấy người ta đang nhìn về Việt Nam như một điểm sáng về chuyển đổi số cho ngành tài chính ngân hàng. Ở Mỹ hay Châu Âu thì hệ thống tài chính của họ đã đủ trưởng thành rồi và đã có một mức độ nào đó khiến họ ngại thay đổi. Trong khi các nước mới nổi như Việt Nam hay là các nước khu vực Đông Á lại đang phát triển nhanh chóng, chuyển đổi số mạnh mẽ và quyết liệt.

BTV Mùi Khánh Ly: Vậy trong thời gian tới, theo các ông, chuyển đổi số trong ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán sẽ phát triển theo hướng nào? để thúc đẩy tài chính toàn diện và bền vững khi kinh tế còn nhiều thách thức như hiện nay?

Ông Trần Đăng Hoà, Chủ tịch Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT:

Tôi tin rằng ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán của Việt Nam đang có lợi thế rất lớn so với thế giới. Nếu nhìn sang bên Nhật, họ đã phát triển công nghệ từ mấy chục năm nay rồi thì những phần mềm đó rất khó để thay thế. Việt Nam chúng ta đi sau, chính vì thế sẽ có cơ hội đưa những công nghệ mới nhất vào, cũng như với sự quyết tâm của Chính phủ và các bộ ban ngành trong chuyển đổi số, mọi sự thay đổi sẽ diễn ra rất nhanh chóng và nền tài chính của Việt Nam sẽ phát triển.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển Ngân hàng số BIDV:

Trong giai đoạn vừa rồi, chúng ta đã có đà chuyển đối số rất tốt. Đặc biệt trong ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán, tôi nghĩ tầm 2 năm, 3 năm, 5 năm nữa, chiến lược chuyển đổi số trong hệ thống tài chính sẽ gặt hái những kết quả rất tích cực.

BTV Mùi Khánh Ly: Xin cảm ơn hai ông về những thông tin trên!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước