Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần có những bước đi đột phá, quyết liệt hơn nữa để đưa nền kinh tế xanh từ quy mô 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD đóng góp vào tổng GDP quốc gia năm 2050.
Trong "Hội nghị Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Lộ trình đến thành công" do Bộ Kế hoạch và đầu tư mới tổ chức, nhiều khuyến nghị được đưa ra với lưu ý quan trọng là tăng trưởng bền vững cần được thực hiện toàn diện từ sản xuất đến tiêu dùng.
Năng lượng là lĩnh vực sản xuất được đề cập đến nhiều nhất tại hội nghị, với tiềm năng đóng góp vào GDP từ điện gió và điện mặt trời là 80 tỷ USD, từ hệ sinh thái hydro sạch là 45 tỷ USD.
Bộ Kế hoạch và đầu tư và Tập đoàn tư vấn Boston ước tính, đến năm 2050, tổng mức đầu tư Việt Nam cần để hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon là 900 tỷ USD. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần có những khuôn khổ chính sách phù hợp để huy động nguồn vốn xanh hiệu quả.
Xu thế chuyển dịch xanh là điều tất yếu cho các nền kinh tế. (Ảnh minh họa - Ảnh: VGP)
"Là một nền kinh tế mới nổi, một quốc gia đang phát triển ngày càng hội nhập, Việt Nam có cơ hội tuyệt vời để dẫn đầu khu vực về tăng trưởng xanh. Để làm được điều này, Chính phủ cần có khung chính sách điều hành ổn định, cho phép doanh nghiệp nước ngoài đầu tư thuận lợi, nhờ vậy giảm được chi phí vốn. Ngoài ra, cần có một hệ thống phân loại xanh hiệu quả, đưa ra các tiêu chí để được gọi là xanh, phân loại cụ thể theo từng ngành và theo cấp quốc gia", ông Jaime Ruiz-Cabrero, Tổng Giám đốc Tập đoàn tư vấn Boston (BCG) khu vực Đông Nam Á, nhận định.
Không chỉ thúc đẩy chuyển đổi xanh trong sản xuất, mà tiêu dùng xanh cũng là một giải pháp quan trọng được các chuyên gia đề cập đến.
"Khi người dân sẵn sàng chi trả cho các đồ gia dụng sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ giúp tiết kiệm năng lượng và giảm ô nhiễm môi trường. Ví dụ ở Mỹ, chúng tôi đang dùng những chiếc tủ lạnh có hiệu quả năng lượng gấp 4 lần so với 30 năm trước, có nghĩa là chúng chỉ dùng 25% lượng điện so với trước đây. Nếu không có cải tiến này thì ước tính phải xây thêm 80 nhà máy điện nữa mới đủ để vận hành được tất cả tủ lạnh. Tiêu dùng đạt hiệu quả năng lượng thì không chỉ có tủ lạnh mà còn đèn điện rồi điều hòa nữa", ông David Sandalow, Giám đốc Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu, Trường Đại học Columbia, Mỹ, cho hay.
Theo Ủy ban châu Âu, quy mô thị trường toàn cầu hiện nay cho các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt trên 5.000 tỷ USD, cho thấy xu thế chuyển dịch xanh là điều tất yếu cho các nền kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!