Thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 01/04/2023 06:09 GMT+7

VTV.vn - Điều hành linh hoạt, giải pháp kịp thời tiếp tục là phương châm ngành nông nghiệp thực hiện trong thời gian tới để phục hồi đà tăng trưởng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Kết thúc quý I, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14% so cùng kỳ. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chính như tôm, cá tra, gỗ, cao su… sụt giảm mạnh. Thị trường lớn, truyền thống như châu Âu, Mỹ… tiếp tục bị thu hẹp. Liệu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có sớm phục hồi, định hướng thị trường trong quý II ra sao?

Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng giảm mạnh

Sáng 31/3, trong buổi họp báo thường kỳ quý I của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một loạt các số liệu không mấy khả quan trong tình hình xuất khẩu nông sản thời gian qua đã được đưa ra. Kim ngạch xuất khẩu giảm 14% so cùng kỳ năm 2022.

Ghi nhận nhóm sản phẩm giảm mạnh tiếp tục là các mặt hàng lâm sản đạt 3,11 tỷ USD, giảm 28,3%; thủy sản đạt 1,79 tỷ USD, giảm 29,0%. Những nguyên nhân của sự sụt giảm trên cũng được ngành nông nghiệp nhìn nhận diện khá rõ.

Thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản - Ảnh 1.

Tính đến hết quý I/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại; ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga - Ukraine; tình trạng lạm phát cao tại một số nước trên thế giới đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu, làm sụt giảm đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Thêm vào đó, do sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, nhiều nước tái xuất khẩu nông sản và tăng cung trên thị trường. Trong khi ở trong nước, nhiều doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới trong năm 2023.

Ngành nông nghiệp điều hành linh hoạt mở rộng thị trường

Tuy nhiên, trong họp báo, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhận định, mức sụt giảm của tình hình xuất khẩu nông sản đang có tín hiệu chậm lại và hy vọng phục hồi cuối quý II. Điều hành linh hoạt, giải pháp kịp thời tiếp tục là phương châm ngành nông nghiệp thực hiện trong thời gian tới để có thể phục hồi đà tăng trưởng của xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

"Đến tháng 3, đà sụt giảm đang được ngăn chặn, tạo đà tăng trưởng cho tháng tiếp theo. Theo nhận định của các hiệp hội ngành hàng, cuối quý II là thời điểm tăng tốc, vì vậy chúng ta phải có giải pháp trước mắt và lâu dài để đảm bảo mục tiêu", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ khẳng định tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước.

Cụ thể, Bộ sẽ tổ chức hội nghị các tỉnh biên giới về kết nối giao thương, thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc (quý II và quý III); tham gia chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt nam tại Vương quốc Anh; chuỗi sự kiện Thực phẩm và Đồ uống quốc tế tại Anh trong quý II.

Thủy sản Việt Nam cần tận dụng thị trường ngách

Tính đến hết quý I/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ. Trên thực tế, con số này không có ý nghĩa quá tiêu cực, bởi ngành thủy sản Việt Nam đã có sự tăng trưởng đầy đột phá trong năm 2022.

Hướng đến mục tiêu phục hồi và tăng trưởng xuất khẩu trong quý II, ngành cần chú trọng đầu tư vào các thị trường có thế mạnh, đồng thời tập trung phát triển thị trường ngách để đa dạng nguồn cung, tối đa lợi nhuận.

Trong khi xuất khẩu tôm giảm 40%, cá tra giảm 32%, cá ngừ giảm 31%, nhiều loại cá biển khác như cá tuyết, cá minh thái lại tăng tốt. Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sang quý II, bên cạnh việc nỗ lực phục hồi xuất khẩu cho các mặt hàng chủ lực, doanh nghiệp còn có thể tận dụng thị trường ngách để nâng cao sản lượng.

"Những ngành hàng cá biển khác xuất khẩu vẫn tăng trưởng dù khiêm tốn, nhưng vẫn là tín hiệu tốt, ví dụ như cá tuyết, cá minh thái, cá sa ba và một số loài cá biển khác. Ngoài ra, chúng ta có thể tận dụng phân khúc ngành hàng truyền thống của người tiêu dùng châu Á như cá khô, chả cá, nước mắm", bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và xúc tiến thương mại, VASEP, thông tin.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 2 thị trường trọng điểm thủy sản Việt Nam cần chú trọng trong thời gian tới là Nhật Bản và Trung Quốc, bởi chúng ta có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nhà cung cấp khác.

"Đặc biệt chú ý thị trường Trung Quốc vì chúng ta có lợi thế cự ly. Thị trường Nhật Bản vừa có lợi thế cự ly, vừa có lợi thế khi thị trường Nhật Bản rất tín nhiệm mặt hàng tôm giá trị gia tăng của Việt Nam. Đây sẽ là 2 thị trường trọng điểm", ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay.

Theo dự báo của VASEP, xuất khẩu thủy sản quý II năm nay sẽ thu hẹp đà giảm và ước đạt 2,3 tỷ USD. Mục tiêu là phục hồi và đạt mức tăng trưởng trong quý III và quý IV.

Tận dụng cơ hội xuất khẩu chính ngạch nông sản sang Trung Quốc

Ba tháng đầu năm, thị trường trường Trung Quốc vươn lên là thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam và cũng được kỳ vọng là động lực tăng trưởng cho kim ngạch xuất khẩu một số loại rau quả, nông sản của Việt Nam trong năm 2023.

Ngày 31/3, trong hội nghị kết nối hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây) nhiều cơ hội giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc đã được kết nối.

Với 300 doanh nghiệp tham gia hội nghị, nông sản vẫn là mặt hàng được nhiều doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm trong hội nghị kết nối hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc, như Công ty TNHH logistic lạnh Tân Phúc, Trung Quốc, bên cạnh thủy sản đã nhập khẩu từ Việt Nam, họ dự định nhập và phân phối thêm trái cây theo vụ.

"Mục tiêu năm nay của chúng tôi là nhập khẩu 100 triệu USD thủy sản, nông sản Việt Nam. Chúng tôi dự định nhập khẩu thêm cà phê, chuối và các loại trái cây đặc trưng khác của Việt Nam. Nông sản Việt Nam được yêu thích tại Trung Quốc, nhưng các bạn cần lưu ý quy cách đóng gói và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đúng tiêu chuẩn nhập khẩu", ông Gao Zhendong, Trưởng Đại diện Công ty TNHH logistic lạnh Tân Phúc, Trung Quốc tại Việt Nam, cho biết.

Vì đặc thù nông sản tươi cần được bảo quản kỹ lưỡng đảm bảo chất lượng, có đáp ứng đủ tiêu chuẩn tươi ngon đối tác mới đồng ý nhập khẩu. Do đó giải quyết bài toán logistics sẽ gỡ nút thắt rủi ro cho các đơn hàng nông sản tươi.

Thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp trong nước cần nâng chất lượng nông sản và tập trung xúc tiến xuất khẩu chính ngạch, tránh rủi ro. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Chúng tôi hướng đến giải pháp là thành lập một hệ thống thống nhất về logistics, các dịch vụ kho vận trên toàn quốc với tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này nhằm nâng cao dịch vụ, giảm giá thành", bà Chu Thị Phương Dung, Chủ tịch HĐQT Công tư Đầu tư Phát triển 3D Việt Nam, thông tin.

Để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam, Bộ Công Thương đề nghị Quảng Tây thúc đẩy cơ quan chức năng cho phép nhập khẩu thí điểm, trong khi chờ cơ quan chức năng cấp phép cho các loại nông sản của Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị đa dạng hóa các cửa khẩu giao nhận hàng hóa và tận dụng các lợi thế có sẵn, hạ tầng các cửa khẩu sẵn để giảm áp lực cho một số cửa khẩu thông quan chính.

Bộ Công Thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước cần nâng chất lượng nông sản và tập trung xúc tiến xuất khẩu chính ngạch, tránh rủi ro.

"Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm kiếm, tìm hiểu, nắm vững nhu cầu, quy định, tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc, nhất là đối với nông sản, thủy sản để xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, xây dựng vùng sản xuất bền vững, tránh ồ ạt chuyển hướng khi thấy nhu cầu thị trường tăng cao vào một thời điểm nhất định", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định.

Tính chung 3 tháng đầu năm nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất, giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD (chiếm 21,5% thị phần).

Càng khó khăn, thách thức càng đòi hỏi chúng ta càng phải "dốc hết sức" thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và tiếp tục đổi mới, mở rộng tư duy; hành động nhanh; kết quả thật để khai thông thị trường, tạo động lực tăng trưởng mới phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển. Đây là chỉ đạo mới nhất của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong quý II, mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành khoảng 14 tỷ USD.

Thủy sản khẳng định vị thế xuất khẩu Thủy sản khẳng định vị thế xuất khẩu

VTV.vn - Tại Hội chợ Thủy sản Bắc Mỹ, các DN Việt Nam tích cực tìm kiếm đối tác mới, thị trường mới và khẳng định vị thế xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ở thị trường Bắc Mỹ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước