Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm
Mặc dù đã dự báo giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm từ cuối năm 2022, nhưng bất ngờ kết quả xuất khẩu các mặt hàng này trong quý I chỉ đạt hơn 11 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt, 2 mặt hàng chủ lực là thủy sản và gỗ giảm tới gần 30% giá trị xuất khẩu. Tình hình này đòi hỏi thời gian tới ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp phải có giải pháp về thị trường tốt hơn.
So với thời điểm này năm trước, đơn hàng của Công ty Hoàng Hưng đã giảm đến hơn 50%. Giải pháp để cầm cự là phải cân đối số lượng công nhân, đặc biệt là đội ngũ lành nghề để đảm bảo mức thu nhập.
"Số lượng hàng tồn kho của công ty nằm trong kho hiện tại đang rất lớn, khoảng trên 3 - 4 triệu USD", ông Lê Minh Thiện, Giám đốc Công ty Hoàng Hưng, Bình Định, cho biết.
Cũng theo các doanh nghiệp, mức giảm kim ngạch xuất khẩu không chỉ do lạm phát, nhu cầu giảm trong quý I, mà còn bởi nông sản Việt đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt.
"Tôm tiếp tục khó khăn vì áp lực cạnh tranh ngày càng lớn với Ecuador, Ấn Độ, đặc biệt khi các nước này gia tăng nguồn cung. Do đó chúng ta chỉ cạnh tranh về phân khúc có thế mạnh, như tôm cỡ lớn, tôm sú, tôm tươi sống", bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, cho hay.
Trong khi xuất khẩu thủy sản, đồ gỗ giảm sâu, quý I cũng cho thấy những tín hiệu rất tích cực từ mặt hàng gạo và rau quả với mức tăng giá trị xuất khẩu lần lượt là hơn 30% và gần 11% so với cùng kỳ năm 2022. Ngay quý I, giá trị xuất khẩu gạo đã đạt gần 1 tỷ USD.
Nâng sức cạnh tranh cho nông sản Việt
Các diễn biến về thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có giải pháp kịp thời để lấy lại đà tăng trưởng trong quý II. Nhất là sau dịch bệnh COVID-19, nhiều nước không chỉ tăng sản xuất nông nghiệp trong nước, giảm nhập khẩu, mà còn đưa thêm các rào cản kỹ thuật đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu.
Quý II được dự báo khả quan hơn khi những tín hiệu tốt đối với nông sản Việt Nam đã quay trở lại tại một số thị trường truyền thống lớn. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Trong bối cảnh này, việc tận dụng thị trường ngách, sản phẩm mới đang là giải pháp của nhiều doanh nghiệp. Kế hoạch từ nay tới cuối năm, Tập đoàn Long Sơn đã chuyển hướng thị trường đối với sản phẩm hạt điều.
Trung Quốc được xác định là thị trường lớn nhất cho nông sản Việt Nam trong quý II. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn chính là yếu tố quyết định đến việc thay đổi giá trị xuất khẩu, nhất là với mặt hàng thủy sản, trái cây.
"Trong quý II phải tập trung mở cửa thị trường, tìm kiếm thị trường. Thứ hai là tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, có sự liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, vùng trồng để đảm bảo chất lượng. Sầu riêng xuất khẩu tốt rồi, nhưng có nhiều vấn đề về chất lượng, nếu chúng ta không đảm bảo chất lượng sẽ mất lợi thế", ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh.
Quý II được dự báo khả quan hơn khi những tín hiệu tốt đối với nông sản Việt Nam đã quay trở lại tại một số thị trường truyền thống lớn như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU, đặc biệt là sức mua của thị trường Trung Quốc sau khi đã mở cửa trở lại.
Ngành thủy sản đặt mục tiêu đạt hơn 2,3 tỷ USD trong quý II, vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2022, nhưng là con số thể hiện những nỗ lực trong bối cảnh khó khăn. Trong khi đó, gạo và trái cây sẽ có những bứt phá mới vì sức mua của thị trường toàn cầu tăng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!