Đây là hội nghị thường niên cấp Bộ trưởng phụ trách kinh tế đầu tiên trong năm, là dịp quan trọng để các Bộ trưởng thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thống nhất định hướng lớn và các ưu tiên hợp tác kinh tế ASEAN năm nay, hướng tới hoàn thành Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025.
"Thúc đẩy thương mại - đầu tư nội khối vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng" là một trong những ưu tiên trong số 12 sáng kiến của Việt Nam được Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN đồng thuận cao. Cụ thể hóa cho ưu tiên này đó là làm sao để xây dựng một quy chuẩn chung cho hàng hóa giữa các nước ASEAN, tạo thuận lợi cho việc lưu thông, xây dựng chuỗi cung ứng, hay có thể nói là chuỗi giá trị riêng của ASEAN, trong bối cảnh các mặt hàng có giá trị kinh tế, đầu tư cao về công nghệ trong nền kinh tế số như hiện nay. Sự tham gia của ASEAN vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực đang ở khoảng 60 - 61% và có thể cải thiện hơn nữa trong thời gian tới.
Đặc biệt, với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, vai trò chủ động thích ứng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN được Việt Nam thể hiện thông qua đề xuất đưa ra một Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng, nhằm duy trì chuỗi cung ứng và khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn cung nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.
Cũng tại Hội nghị, các Bộ trưởng cũng nêu ra thách thức khi ASEAN đang là nền kinh tế đứng thứ 4 trên thế giới về thương mại hàng hóa với tổng giá trị hơn 700 tỷ USD, song thương mại nội khối hiện nay trong ASEAN chỉ chiếm khoảng 23%, còn tương đối thấp so với các khu vực khác, và có xu hướng giảm đáng kể trong vài năm gần đây.
Dự kiến hôm nay (10/3), các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN thông qua 12 đề xuất về sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!