Phát biểu tại Hội thảo "Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam" ngày 11/7, ông Đỗ Ngọc An, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021 - 2025 khoảng 32 - 34% GDP. Tuy nhiên, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm chỉ chiếm khoảng 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 2,9 triệu tỷ đồng).
Do vốn đầu tư công không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu vốn cho đầu tư kinh tế - xã hội, nên việc huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt là nguồn lực khu vực tư đóng vai trò hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Ông Đỗ Ngọc An, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương
Ông Đỗ Ngọc An cho biết, trong những năm qua, việc triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng của đất nước. Bên cạnh các nguồn vốn đầu tư truyền thống bao gồm ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA, vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước thông qua cơ chế PPP đã góp phần thay đổi hình ảnh của các địa phương, cải thiện đáng kể hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng.
"Hàng nghìn tỷ đồng vốn từ nhân đã được huy động để xây dựng quốc lộ, đường cao tốc, nhà máy điện và nhiều dự án góp khác góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước", ông An nói.
Tuy nhiên, việc triển khai các dự án phát triển hạ tầng xã hội theo phương thức đối tác công tư ở Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc, chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư PPP nói chung và việc triển khai các dự án PPP mới. Số lượng các dự án mới được triển khai theo quy định của Luật PPP vẫn còn hạn chế, đa phần đều là các dự án chuyển tiếp, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực giao thông, ít được triển khai trong các lĩnh vực khác.
Cũng quan điểm với ông An, trình bày tham luận tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định rõ tầm quan trọng của hợp tác công tư đối với phát triển kinh tế - xã hội nói riêng, sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc nói chung; tiếp tục hoàn thiện chủ trương của Đảng về hợp tác công tư, nhằm tạo lập cơ sở chính trị vững chắc cho sự nhất quán trong quá trình thể chế hóa và tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển, nâng cao hiệu quả đối tác công tư trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020; rà soát những vướng mắc trong quá trình thực hiện...
Cung cấp thêm thông tin về việc triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kể từ khi Luật PPP có hiệu lực thi hành, đã có 10 dự án mới được phê duyệt, 14 dự án đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, 139 dự án PPP được triển khai trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành vẫn đang tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết, ít bị ảnh hưởng bởi các quy định mới ban hành.
Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Tuy nhiên, theo bà Lê, tình hình triển khai PPP vẫn còn những tồn tại, hạn chế như nguồn lực đầu tư công chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, làm "vốn mồi" để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân. Thậm chí, một số dự án PPP được nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư nhưng lại chuyển đổi sang đầu tư công.
Bà Lê cũng cho biết, việc huy động nguồn vốn tư nhân cho dự án PPP gặp nhiều khó khăn, cùng với đó là thị trường tín dụng cho các dự án mới ngày càng hạn chế do nợ xấu của các doanh nghiệp dự án BOT giao thông.
Tại Hội thảo, Giáo sư Akash Deep, Đại học Harvard Kennedy nhìn nhận, đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng là một trong những động lực chính cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong những thập kỷ gần đây. Việt Nam đã đầu tư rất nhiều vào giao thông vận tải, đặc biệt là đường bộ, sân bay và cảng biển.
Tuy nhiên, ông Akash Deep khuyến nghị, để PPP đạt được kết quả cao thời gian tới, phạm vi đảm bảo Nhà nước có thể sẵn sàng cung cấp cho một dự án PPP cụ thể nên được mở rộng dựa trên quy trình thăm dò thị trường. Các điều khoản cụ thể của bảo lãnh cần được xác định thông qua đàm phán với các nhà thầu. Nhà nước nên coi bảo lãnh là cơ chế đầu tư thay thế, trong một số trường hợp, có thể hiệu quả hơn về mặt chi phí so với đầu tư trực tiếp của Nhà nước.
Phát biểu kết luận Hội thảo, với kỳ vọng thúc đẩy phát triển nhưng không hy sinh môi trường hay xã hội, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An nhấn mạnh quan điểm không thu hút đầu tư PPP bằng mọi giá, đẩy nhanh và mạnh quá trình thực hiện PPP nhưng phải đảm bảo khả năng chi trả, đảm bảo năng lực tiếp nhận và xử lý rủi ro của các bên.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo chắc chắn rằng, thực hiện PPP là nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất của vốn đầu tư xã hội nói chung (gồm vốn công và vốn tư); nâng cao chất lượng của dịch vụ thiết yếu cho con người, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội ở tất cả mọi lĩnh vực của đất nước; đồng thời thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý, hiệu lực hiệu quả của các cơ quan nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư phát triển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!