Câu chuyện này xuất phát từ tin đồn Đông Anh sẽ được nâng lên thành quận. Thực hư việc sốt đất ở đây như thế nào?
Tâm điểm giữa các thông tin về sốt đất phải kể đến huyện Đông Anh. Với độ dài chỉ khoảng 500m, nhưng trên con phố Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc, có đến gần 20 sàn môi giới bất động sản. Gọi điện đến các số giao dịch tại đây, giá đất đã được hét trên trời với lý do đất ở đây sắp lên quận.
Theo tìm hiểu, giá đất ở đây đã bị đẩy lên nhiều lần, tương đương giá đất trung tâm tại một số điểm của nội thành Hà Nội. Các môi giới bất động sản đang vẽ ra một bối cảnh giao dịch rất nhộn nhịp. Tuy nhiên thực tế, sốt đất đang là câu chuyện chỉ từ một phía là người bán, người môi giới. Còn người mua lại đang khá vắng bóng trên thị trường.
Trong khi đó, tại khu đô thị hoành tráng bậc nhất ở Hoài Đức, sau 10 năm, các biệt thự đắt tiền hầu như chưa có người đến ở. Tuy nhiên, cơn sốt đất trong các tháng vừa qua cũng lan đến khu vực này, bởi các thông tin huyện lên quận.
Theo đại diện đơn vị môi giới tại khu vực này, từ đầu năm nay sau khi có thông tin huyện này có đề án lên quận vào năm 2020, giá đất ở đây đã tăng lên tới 15%.
Ngoài Đông Anh, Hoài Đức, tại Gia Lâm, Thanh Trì, nơi đang triển khai một số dự án lớn, thông tin giá đất tăng cũng xuất hiện.
Hậu quả của việc giá bất động sản sốt nóng, tăng giá chóng mặt nhưng không đi kèm với sự đầu tư về hạ tầng, dịch vụ, chính là những bài học nhãn tiền. Trước thực tế này, nhà đầu tư cần bình tâm hơn, tỉnh táo hơn khi nghe thấy những thông tin sốt đất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!