Thưởng Tết năm 2025: Những quy định người lao động cần biết

Thùy Linh-Chủ nhật, ngày 29/12/2024 14:47 GMT+7

VTV.vn - Bên cạnh lương, thưởng Tết cũng được người lao động rất quan tâm. Dưới đây là những quy định đáng chú ý người lao động và doanh nghiệp cần biết.

Doanh nghiệp không bắt buộc phải thưởng Tết 2025 cho người lao động

Khoản 1 Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định như sau: Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Theo đó, thưởng Tết 2025 là khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích khác mà công ty tặng cho người lao động, dựa trên kết quả sản xuất, kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc.

Như vậy, việc thưởng, bao gồm thưởng Tết 2025, hoàn toàn do doanh nghiệp quyết định, tùy thuộc vào tình hình và chính sách của công ty. Công ty không bắt buộc phải thưởng Tết 2025 cho người lao động.

Luật sư Phan Thị Lan (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, thưởng Tết vốn không phải là chế độ bắt buộc hoặc là nghĩa vụ của người sửa dụng lao động khi giao kết hợp đồng lao động. Song, thưởng Tết vẫn luôn tồn tại như một loại hình văn hóa doanh nghiệp, không dễ thay đổi hoặc xóa bỏ. Dù tình hình sản xuất - kinh doanh trong năm không mấy khả quan hay đã chăm lo trong nhiều dịp Lễ khác thì thưởng Tết vẫn là niềm mong mỏi lớn lao của người lao động.

Tâm lý tiêu dùng, lễ tiết xã giao vào dịp cuối năm trong văn hóa người Việt đang tạo sức ép rất lớn cho người sử dụng lao động và cả người lao động. Chính vì vậy, nếu thưởng Tết không được như kỳ vọng, nhiều khả năng tranh chấp lao động sẽ diễn ra.

Để thưởng Tết không là gánh nặng và hạn chế tranh chấp liên quan đến thưởng Tết, luật sư Phan Thị Lan cho rằng người sử dụng lao động nên dự trù, hoạch định nguồn kinh phí để đảm bảo cho khoản chi này. Thưởng Tết cũng là phương án nhằm đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, tạo động lực phấn đấu, xây dựng tình cảm gắn kết người lao động với doanh nghiệp.

Công ty có thể thưởng Tết 2025 bằng hiện vật thay cho tiền

Cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật Lao động 2019, công ty có thể thưởng cho người lao động bằng hiện vật hoặc các hình thức khác ngoài tiền.

Vì vậy, thay vì thưởng Tết 2025 bằng tiền, công ty có thể áp dụng các hình thức như tặng hiện vật (đồ gia dụng, xe máy,..), tổ chức chuyến du lịch, hoặc hỗ trợ vé tàu xe về quê.

Tuy nhiên, dù thưởng bằng hình thức nào, mức thưởng bao nhiêu, quy chế thưởng Tết 2025 phải được công khai đến người lao động. Nếu không công khai , doanh nghiệp có thể bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Tiền thưởng Tết 2025 sẽ không làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội

Căn cứ khoản 3 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH), tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm: Thưởng theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019; Tiền thưởng sáng kiến; Tiền ăn giữa ca; Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động; Trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.

Như vậy, tiền thưởng Tết 2025 sẽ không làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Người lao động được thưởng Tết có thể phải đóng thuế thu nhập cá nhân

Theo khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, thu nhập từ tiền lương, tiền công được xác định là thu nhập chịu thuế. Trong đó, bao gồm tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

Mặc khác, tiền thưởng được xác định trên cơ sở kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động, do đó, đây được xem là khoản thu nhập có tính chất tiền lương, tiền công.

Vì vậy, thưởng Tết được coi là khoản thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, người lao động chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân nếu có thu nhập tính thuế (thu nhập cao).

Thưởng Tết có thể không được tính để trừ chi phí hợp lý cho doanh nghiệp

Khoản 2 Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC chỉ rõ, một trong các khoản chi không được tính trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp, đó là:

Các khoản tiền lương, tiền thưởng cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

Theo đó, để được tính vào chi phí hợp lý được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần ghi cụ thể điều kiện thưởng Tết và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

Thưởng Tết: “Kẻ khóc người cười” Thưởng Tết: “Kẻ khóc người cười”

VTV.vn - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, đã có 20 tỉnh thành công bố thưởng Tết Nguyên đán.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước