Trên thị trường Ấn Độ hiện nay, 1 kg lõi gỗ đàn hương có giá 350 USD, về đến Việt Nam có giá 450 USD, sang tới thị trường Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước Arab giá khoảng 600 USD.
Trong công nghệ sản xuất mỹ phẩm, giá mỗi kg cành đàn hương tại thị trường Việt Nam hiện nay khoảng 3 triệu đồng, rễ cây đàn hương có chứa rất nhiều tinh dầu. Loại tinh dầu đa năng được ví như "giọt vàng", có giá khoảng 4.500 USD/kg.
Giá trị từ cây đàn hương đem lại cao như vậy, nhưng không phải nước nào cũng có điều kiện để sản xuất cây đàn hương tốt như Việt Nam. Vì vậy, những năm gần đây, nhiều địa phương bà con đã chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang đàn hương, bước đầu đem lại hiệu quả.
Trước đây, gia đình chị Phạm Thị Vân (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) có 15 ha đất trồng keo nhiều năm, nhưng hiệu quả thu lại không cao. Từ năm 2019, chị Vân mạnh dạn trồng thử nghiệm cây đàn hương, kết hợp xen canh với các loại cây họ đậu và cây ăn trái. Lấy ngắn nuôi dài, chị kỳ vọng cây ăn trái sẽ cho thu hoạch năng suất cao, đồng thời cây đàn hương phát triển tốt.
Cây đàn hương trưởng thành. (Ảnh: NLĐ)
"Cây đàn hương cho thu hoạch cả lá, hạt. 15 năm sau có thể thu hoạch cả gỗ. Cây đàn hương hơn nhiều so với cây keo", chị Phạm Thị Vân, huyện Lương Sơn, Hòa Bình, chia sẻ.
Còn anh Long (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) đã liên kết với Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm để mua giống chất lượng và trồng thử nghiệm. Nhờ khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, cây đàn hương đã bắt đầu cho thu hoạch lá cung ứng lại cho Viện.
"Tôi được hỗ trợ một phần cây giống, được bao tiêu đầu ra, cả phần lá, thân gỗ, hạt nên bà con cũng yên tâm trồng", anh Nguyễn Đức Long, huyện Lương Sơn, Hòa Bình, cho biết.
Thông thường, cây đàn hương từ 10 năm tuổi trở lên mới có thể lấy hạt nhân giống. Những cây này cần được kiểm tra về lõi gỗ và tốc độ sinh trưởng để đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, nếu vì nguồn lợi kinh tế người dân ồ ạt tự nhân giống, có thể dẫn đến mất kiểm soát chất lượng cây trồng khiến cây đàn hương có thể rơi vào điệp khúc "trồng - chặt" quen thuộc.
"Giống cây đàn hương rất quan trọng. Các giống tạp chưa có nghiên cứu về cây mẹ, khi mình trồng mười mấy năm mà năng suất không như mong muốn thì rất đáng tiếc", bà Trần Thị Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm, nhận định.
Đàn hương là giống cây được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là cây lâm nghiệp tại Việt Nam từ năm 2019. Các bộ phận của cây đàn hương như lá, lõi gỗ, rễ cây, hạt cây đều có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, vì là cây trồng mới, người dân cần tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn về vùng trồng, mật độ trồng và phòng trừ sau bệnh để khai thác hiệu quả loại cây này.
Cơ hội thị trường cho cây đàn hương
Đến thời điểm này, gần 3.000 ha cây đàn hương được trồng tại 45 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Đây là loài cây trồng cho giá trị kinh tế tốt, vừa là cây gỗ, vừa là cây dược liệu, cung cấp nguyên liệu phục vụ ngành mỹ phẩm. Hiện nhu cầu đàn hương trên thế giới đang thiếu hụt 22 - 25%. Vì vậy, thị trường cho đàn hương của Việt Nam khá rộng mở.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đàn hương Việt Nam hiện nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm được chiết xuất từ cây đàn hương như: gỗ tinh dầu, trà hay nhang… Sản phẩm trà đàn hương hiện đang được bán với mức giá 10 triệu đồng/kg và đã có mặt tại một số thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, để cây đàn hương Việt Nam chinh phục được các thị trường nước ngoài không đơn giản. Do cây có giá trị lớn nên các nhà nhập khẩu đưa ra yêu cầu khắt khe từ đất đai, nguồn nước cho đến các quy trình, kỹ thuật trồng để giữ được dược tính của cây.
"Chúng tôi trực tiếp sang đây để lấy mẫu đất, mang về các phòng thí nghiệm tiêu chuẩn tại Ấn Độ để kiểm tra chất lượng đất, nước, cây giống. Chúng tôi mong đợi đàn hương Việt Nam sẽ có chất lượng y hệt như trồng tại Ấn Độ", ông Saurav Kumar Singh, Giám đốc Công ty Royal & Company, Ấn Độ, cho biết.
"Sau khi cung cấp các bản đánh giá chất lượng, các chuyên gia trong nước và nước ngoài đánh giá cao các hoạt chất có trong đàn hương, dần định hình thương hiệu đàn hương Việt Nam", TS. Vũ Văn Thoại, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu cây đàn hương và Thực vật quý hiếm, thông tin.
Nhìn ra thế giới, Australia là nước có kim ngạch xuất khẩu gỗ đàn hương lớn nhất hiện nay. Giá trị khoảng 7 tỷ USD/năm với khoảng 800.000 ha đã được trồng.
Với những ưu thế về thổ nhưỡng và khí hậu, Việt Nam có tiềm năng phát triển hướng đi mới này. Đảm bảo cả khối lượng và chất lượng sản phẩm là điều kiện cần để Việt Nam ghi danh trên bản đồ đàn hương thế giới.
Các chuyên gia nông nghiệp nhận định, đàn hương là loài cây bán ký sinh, nên có thể trồng xen canh với các loại cây như: cam, quýt, mắc ca, cà phê, bơ… Trong khi đợi cây trưởng thành, người trồng vẫn có nguồn thu từ các loại cây khác, chính vì vậy rủi ro của đàn hương rất thấp.
Tuy nhiên, bà con cần trồng theo quy hoạch, tránh ồ ạt theo phong trào, tránh điệp khúc "trồng - chặt" như một số loại cây khác. Liên kết với doanh nghiệp được xác định là mắt xích quan trọng để có đầu ra và hướng phát triển ổn định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!