Năng suất lao động của Việt Nam được đánh giá là thấp so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia, còn đối với các nước phát triển trên thế giới, khoảng cách còn xa hơn. Diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động quốc gia" diễn ra vào ngày 26/5 sẽ thảo luận các giải pháp cải thiện. Trên thực tế, thời gian gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để rút ngắn khoảng cách với doanh nghiệp các nước.
Từ chỗ chỉ gia công đơn thuần, đến nay một số doanh nghiệp đã bắt đầu bán được các ý tưởng, thiết kế cho đối tác. Từ đó hình thành các chuỗi cung ứng phụ trợ cho sản xuất như dệt may, hóa chất, bao bì, in ấn…
Bà Phan Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội da giầy túi xách Việt Nam chia sẻ: "Chúng ta phải chủ động thiết kế sản phẩm hay chúng ta có thể vươn tới các công đoạn khác như chủ động trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, hoặc chúng ta có thể tham gia vào các hoạt động phân phối và xuất khẩu sản phẩm".
Những con chip nhỏ nhưng là bộ não cho cả cỗ máy hoạt động. Nhóm kỹ sư doanh nghiệp viễn thông đã thành công trong việc sản xuất chíp cho hệ thống 5G, bắt đầu tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị cao.
Anh Nguyễn Viêt Hưng - Kỹ sư Tập đoàn Viettel cho biết: "Những sản phẩm đột phá sẽ tạo ra doanh thu phát triển cao, lợi nhuận cho công ty. Nhờ vậy, đời sống phúc lợi cho cán bộ công nhân viên sẽ được nâng cao".
Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội để nâng cao năng suất lao động
Chuyển đổi từ sản phẩm giá trị thấp lên sản phẩm giá trị cao, chuyển từ gia công sang nghiên cứu, chế tạo - giá trị sản xuất mỗi giờ tăng lên, cũng chính là tăng năng suất lao động. Nhưng để làm được điều đó, chất lượng lao động là một trong những nhân tố quan trọng.
Ông Lê Bá Tân - Trưởng Ban Kỹ thuật tập đoàn Viettel nhận định: "Người kỹ sư khác người cán bộ công nhân viên, luôn luôn quan sát, suy nghĩ, tìm tòi và tìm ra các giải pháp, cách làm để nâng cao hiệu quả của công tác kỹ thuật cũng như công tác sản xuất kinh doanh".
Hạn chế lớn nhất của Việt Nam là thị trường lao động vẫn còn 37,8 triệu người lao động chưa qua đào tạo. Số lao động hoạt động trong ngành nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn lên tới 57,3% trong khi lao động trong các ngành công nghiệp mới chỉ chiếm có 18,2%.
GS.TS. Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết: "Phải nâng cao được trình độ mới có thể tiếp cận được các khâu mà sản xuất có giá trị cao. Khi ấy mới tăng được hiệu quả của lao động cá nhân. Doanh nghiệp phải đầu tư, cải tiến về máy móc, thiết bị, về kỹ thuật, công nghệ. Quốc gia tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển sang các khu vực sản phẩm có giá trị kinh tế cao như những sản phẩm công nghệ cao, những sản phẩm chế biến sâu".
Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội để nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh việc tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ từ những nước phát triển, Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra những sản phẩm mang lại giá trị lớn hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!