Phấn đấu tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm

Việt Linh-Thứ tư, ngày 13/12/2023 13:02 GMT+7

VTV.vn - Tăng năng suất lao động đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trong khu vực.

Việt Nam hiện có tốc độ tăng năng suất lao động cao hơn mức trung bình trong khối ASEAN và đang phấn đấu thuộc 3 nước đứng đầu khu vực đến năm 2030.

Để làm được điều này, bên cạnh việc đổi mới công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp, việc hoàn thiện cơ chế chính sách, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy năng suất cũng đóng vai trò quan trọng. Đây cũng là vấn đề được đặt ra tại Diễn đàn "Năng suất Quốc gia".

Nhờ ứng dụng công nghệ tự động hóa, mỗi dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen chỉ cần 1 công nhân đứng máy thay vì 4 - 5 người như trước. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động lên từ 30 - 40%.

"Áp dụng khoa học công nghệ giúp rút ngắn những công đoạn thừa thì sẽ tiết kiệm được chi phí. Thứ hai là giúp năng suất lao động được nâng lên, làm giá thành sản phẩm được giảm xuống", bà Trần Thị Ngọc Bích, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen, cho biết.

Phấn đấu tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm - Ảnh 1.

Từ nay đến năm 2030, mục tiêu của Việt Nam là đưa năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Tại diễn đàn, các ý kiến cho rằng đổi mới sáng tạo là động lực tăng năng suất, trong đó công nghệ số hóa là phương tiện thúc đẩy. Hoạt động đổi mới sáng tạo này cần theo hướng xanh và bền vững, giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng năng suất. Việt Nam cần có chiến lược cụ thể về các yếu tố tăng trưởng, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt cần coi trọng các sáng kiến tăng năng suất tại từng doanh nghiệp.

"Muốn có đầu tư năng suất thỏa đáng phải biết năng suất của từng đơn vị, doanh nghiệp đang ở đâu và khả năng tăng lên như thế nào. Khi đó chúng ta mới trân trọng mọi sáng kiến để đưa năng suất đi lên. Như vậy nó sẽ tạo ra cao trào tăng năng suất rất là cao. Thay vì chỉ nghĩ đầu tư 1 - 2 dự án, phải nghĩ về cả một phong trào năng suất rộng lớn trên toàn quốc", TS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.

"Chúng tôi cố gắng đưa công cụ thực hành thể chế tốt để làm sao hỗ trợ quy định chính sách có chất lượng tốt hơn. Thứ hai là chúng tôi đã bắt đầu đưa chương trình đào tạo năng suất vào trong các trường đại học, phổ biến cho 1 vạn sinh viên, qua đó có thể thấy chúng ta bắt đầu hình thành tư duy năng suất cho các bạn trẻ. Cuối cùng là chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương để chúng ta triển khai tích cực các kế hoạch năng suất tại các địa phương", ông Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết.

Tăng năng suất lao động đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trong khu vực. Từ nay đến năm 2030, mục tiêu của Việt Nam là đưa năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm.

Việt Nam phấn đấu vào top 3 ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động Việt Nam phấn đấu vào top 3 ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động

VTV.vn - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định 1305/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước