Tiến độ tiêm vaccine COVID-19 - “Chìa khóa” thúc đẩy phát triển kinh tế

Quỳnh Như-Thứ sáu, ngày 24/09/2021 06:19 GMT+7

VTV.vn - Động lực tăng trưởng kinh tế cả năm của Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh.

Ảnh hưởng dịch, trung tâm kinh tế TP Hồ Chí Minh ghi nhận sự sụt giảm đáng kể ở các chỉ số kinh tế. 8 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm hơn 10%. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 6,6%. Tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài giảm gần 44%.

Dự báo cả năm, tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố giảm 2,8% so với cùng kỳ và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 6%.

Sự phục hồi kinh tế của TP Hồ Chí Minh, nơi đang gặp nhiều khó khăn trong làn sóng dịch thứ 4, sẽ tác động mạnh đến kịch bản tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Mới đây, báo cáo từ ngân hàng HSBC đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cho Việt Nam. Ở kịch bản lạc quan, tăng trưởng GDP sẽ nằm trong ngưỡng 5 - 5,5%, phụ thuộc vào tiến độ và hiệu quả của chương trình tiêm vaccine, việc mở cửa lại nền kinh tế cùng với khả năng phục hồi và khởi động lại các thị trường xuất khẩu lớn.

Ở kịch bản thận trọng hơn, nếu chương trình tiêm vaccine triển khai không đủ nhanh, giãn cách còn kéo dài, nền kinh tế sẽ chịu thêm nhiều tác động nặng nề và thêm áp lực lên chuỗi cung ứng, GDP sẽ có khả năng tăng trưởng chỉ ở mức 3,5 - 4%. Đây cũng là mức dự báo một số tổ chức khác như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra.

Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào lộ trình mở cửa

Theo đại diện ngân hàng HSBC, viễn cảnh kinh tế từ nay đến cuối năm phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả triển khai tiêm vaccine cho người dân, kết hợp mở cửa lại nền kinh tế đúng thời điểm.

Tiến độ tiêm vaccine COVID-19 - “Chìa khóa” thúc đẩy phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Tiêm vaccine COVID-19 cho công nhân khu công nghệ cao, TP Thủ Đức. (Ảnh: NLĐ)

Theo kế hoạch của chính quyền TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, dự báo lộ trình mở cửa sẽ được đẩy nhanh dần từ đầu tháng 10.

"Dù trong viễn cảnh nào, nền kinh tế cũng cần được mở cửa trở lại và triển khai một cách thận trọng, bài bản theo lộ trình. Tại nhiều thị trường khác, các hoạt động kinh tế có xu hướng phục hồi mạnh mẽ ngay thời điểm kinh tế mở cửa và chúng tôi kỳ vọng nhìn thấy điều tương tự ở Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng hoạt động tiêu dùng sẽ khôi phục rất mạnh mẽ ngay khi đợt bùng dịch này dần lắng xuống", Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans cho hay.

Về lộ trình mở cửa theo tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine mũi 1, theo nghiên cứu mới nhất của Dragon Capital, đến tháng 10 này, chỉ số tiêm chủng cả Việt Nam vẫn còn khá thấp so với khu vực, ảnh hưởng đến độ mở cửa của cả nền kinh tế.

Tuy nhiên, chiến dịch đẩy mạnh tiêm ở các trung tâm kinh tế sẽ hỗ trợ tích cực cho bức tranh phục hồi kinh tế cả nước trong thời gian tới.

"Chiến lược tiêm vaccine của chúng ta khá là thông minh khi tiêm ở những khu "hotspot" như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An…, dẫn tới trong vòng 1 tháng nữa, khoảng cuối tháng 10/2021, những thành phố thuộc "hotspot" của Việt Nam sẽ dịch chuyển lên về độ tiêm chủng, gần bằng Indonesia, thậm chí hơn thì chắc chắn trong giai đoạn tới chuyện mở cửa đối với các khu này sẽ nhiều hơn", TS. Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc đầu tư Dragon Capital, nhận định.

Cũng theo dự báo của ADB, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trở lại nếu đại dịch COVID-19 được kiểm soát vào cuối năm 2021 và đến quý II năm 2022 khi 70% dân số cả nước được tiêm chủng.

Bài toán liên kết vùng trong lộ trình phục hồi kinh tế phía Nam

Theo các chuyên gia, trong lộ trình mở cửa, phục hồi nền kinh tế, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh, bài toán liên kết vùng trong chính sách là hết sức cần thiết. Ví dụ như câu chuyện lưu thông chuỗi cung ứng giữa các tỉnh, thành. Bởi theo khảo sát gần nhất của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, trong các lý do khiến doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, đứt gãy chuỗi cung ứng giữa các doanh nghiệp và giữa các tỉnh, thành chiếm tỷ lệ hơn 35%.

Theo Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, doanh nghiệp bị tổn thương nghiêm trọng phần lớn là do đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động..., bởi chưa có chính sách đồng bộ giữa các tỉnh, thành.

"Thông thương hàng hóa đang rất khó khăn với doanh nghiệp. Bây giờ sản xuất ra nhưng hàng hóa thông thương không thuận lợi, mỗi tỉnh mỗi điều kiện lưu thông khác nhau", ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Do đó, theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, các chính sách phục hồi kinh tế thời gian tới cần đặt trong cách tiếp cận vùng, nghĩa là cần sự phối hợp, liên kết giữa các tỉnh thành với nhau, ví dụ như các chính sách về lưu thông hàng hóa, liên kết chuỗi cung ứng.

"Lúc này, TP Hồ Chí Minh cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên chủ động, để thảo luận một chiến lược kết nối, hỗ trợ và thông suốt về tổng thể để cộng hưởng sức mạnh, cùng đứng dậy thì như thế mới tốt được", PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, nhận định.

Tiến độ tiêm vaccine COVID-19 - “Chìa khóa” thúc đẩy phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Nhiều tổ chức vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Ngoài ra, ông Thiên cho rằng cần có những chính sách ưu tiên hỗ trợ nguồn lực đặc biệt hơn cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện trong quá trình tư vấn chính sách phục hồi nền kinh tế cho Chính Phủ, các chính sách hỗ trợ từ tài khóa đến các hỗ trợ về tiền tệ như lãi suất, tín dụng cũng đang được tính toán.

"Những trung tâm kinh tế như TP Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ảnh hưởng lớn đến sản lượng, việc làm, đến cả các chỉ số kinh tế vĩ mô. Tình thế rất gay go. Đây là lợi ích phát triển chung nên phải đặt vấn đề cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam một sự ưu tiên chính sách và sự hỗ trợ nguồn lực đặc biệt hơn", PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, hiện Chính phủ cũng như các địa phương cần gấp rút có những bảng khảo sát, số liệu đánh giá đúng thực trạng của doanh nghiệp, trong từng mảng, từng ngành, cũng như bức tranh về khả năng phục hồi các ngành hàng xuất khẩu trên thế giới. Nền tảng dữ liệu này được triển khai sẽ giúp việc hoạch định chính sách phục hồi kinh tế hiệu quả, thiết thực hơn.

Dù khó khăn trong ngắn hạn, nhiều tổ chức vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn, với dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam có thể đạt mức 6,5%. Sự tăng trưởng có thể được hỗ trợ bởi 4 yếu tố: sự phục hồi của cầu nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng thị trường xuất khẩu mới và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Hà Nội: Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 Hà Nội: Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025

VTV.vn - Để thực hiện tốt Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố nhấn mạnh 7 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước