Các chỉ đạo của Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả và sự minh bạch trong công tác hải quan và quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.
Văn bản nêu rõ, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển và sự gia tăng của thương mại điện tử, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo về công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan. Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành. Để tiếp tục thực hiện hiệu qủa công tác này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan:
Rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin theo hướng số hóa chứng từ, tiến tới phi giấy tờ trong thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, dần tiến đến chấm dứt việc yêu cầu người khai hải quan phải nộp chứng từ giấy khi làm thủ tục hải quan.
Rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật để kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc và kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ dữ liệu với cơ quan hải quan để phục vụ thông quan hàng hóa.
Bảo đảm trang thiết bị phục vụ công tác hiện đại hóa ngành hải quan, công tác kiểm tra giám sát, kiểm soát hải quan tại các khu vực cửa khẩu, cảng biển, hạn chế sự tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan hải quan, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
Tăng cường các hoạt động hợp tác, trao đổi thông tin dữ liệu hải quan với các nước để tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Thường xuyên tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hải quan; kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý đối với đơn vị, công chức hải quan có hành vi vi phạm, gây phiền hà, sách nhiễu, không kịp thời giải quyết, để vướng mắc kéo dài mà không đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết.
Các Bộ, ngành rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, cấp phép đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế trong năm nay: áp dụng triệt để nguyên tắc quản lý rủi ro, thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm tra; giảm tỷ lệ các lô hàng phải lấy mẫu; thống nhất nguyên tắc một mặt hàng chỉ do một đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra.
Bộ Tài chính chủ động phối hợp với Bộ Công an triển khai Quyết định số 06/2022 của Thủ tướng, nhanh chóng số hoá thủ tục xuất nhập khẩu qua biên giới, xây dựng cửa khẩu thông minh nhằm giảm thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.
Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới: Xây dựng quy hoạch tổng thể khu vực cửa khẩu, bố trí địa điểm làm việc cho các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát hàng hóa để tạo điều kiện hiện đại hóa công tác quản lý chuyên ngành và các hoạt động thương mại, logistics tại cửa khẩu; không để xảy ra tình trạng ùn tắc hàng hoá, phương tiện.
Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 628/2022 của Thủ tướng về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 nhằm chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả, đúng quy định pháp luật; đặc biệt là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan, phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, bảo đảm an toàn trật tự xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia; kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền. Văn phòng Chính phủ được giao theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!