Tìm hướng mở rộng thị trường nhung hươu

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 24/08/2024 13:28 GMT+7

VTV.vn - Nhung hươu cùng với những sản phẩm mang tính dược liệu như tổ yến, rong biển đã cho thấy một hướng đi mới có thể tạo dựng ngành hàng tỷ USD trong tương lai.

Cùng với các biện pháp tăng số lượng đàn hươu. Tỉnh Hà Tĩnh còn khuyến khích, hỗ trợ các hộ dân phát triển chăn nuôi, liên kết theo chuỗi, chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu. Đồng thời quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm này, qua các kênh truyền thống, thương mại điện tửmạng xã hội. Không chỉ hướng đến thị trường trong nước, mà địa phương còn thúc đẩy để có thể xuất khẩu.

Từ nguồn nhung hươu tươi, chị Nguyễn Thu Hiền đã mạnh dạn đầu tư máy móc, nhà xưởng để chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu. Với máy móc hiện đại, quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn quy định các sản phẩm nhung hươu chế biến được đông đảo người dân đón nhận. Hiện cơ sở có tổng cộng 10 sản phẩm từ nhung hươu, doanh thu ước đạt 500-600 triệu đồng/năm.

"Sắp tới đây chúng tôi đang có hướng sẽ xuất khẩu sang Lào, Thái Lan, Nhật Bản. Sản phẩm của chúng tôi đi quảng bá được các tỉnh bạn rất quan tâm", chị Nguyễn Thu Hiền, Chủ cơ sở sản xuất nhung hươu Hiền Ngọc, Hà Tĩnh chia sẻ.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề, anh Trần Đình Chiến luôn trăn trở để đưa các sản phẩm nhung hươu ra nước ngoài. Hiện cơ sở kinh doanh của anh có 4 dòng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó có một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Sản phẩm nhung hươu của anh đã được các đối tác ở Lào, Thái Lan ký kết tiêu thụ.

Ông Trần Đình Chiến - Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Hương Sơn, Hà Tĩnh cho hay: "Định hướng của chúng tôi sẽ đưa sản phẩm nhung hươu ra thị trường nước ngoài theo cách sử dụng của họ, do đó ngay từ giờ chúng tôi sẽ xây dựng tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay chúng tôi đã xúc tiến các thị trường như Lào, Thái Lan, sắp tới có thể là thị trường Trung Quốc".

Hiện trên địa bàn Hà Tĩnh có 10 cơ sở chế biến nhung hươu đạt tiêu chuẩn OCOP với khoảng 20 dòng sản phẩm. Ngoài tập trung chế biến sâu và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, các cơ sở này cũng đang kết nối với các đầu mối nỗ lực đưa sản phẩm nhung hươu vươn ra thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh cho biết: "Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đem các sản phẩm này tham gia xúc tiến thương mại tại các tỉnh và hướng tới xuất khẩu, từ đó tạo điều kiện, hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho bà con nhân dân".

Hà Tĩnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng đàn hươu trên địa bàn ước đạt trên 60.000 con. Cùng với đó, địa phương đang đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu nhung và các sản phẩm từ hươu; từng bước tạo ra chuỗi liên kết giá trị cao trong chế biến và xuất khẩu.

Nhung hươu cùng với những sản phẩm mang tính dược liệu như tổ yến, rong biển đã cho thấy một hướng đi mới có thể tạo dựng ngành hàng tỷ USD trong tương lai. Từ năm 2020, Luật Chăn nuôi cũng đã công nhận hươu là vật nuôi nên đây cũng là cơ sở để xuất khẩu sản phẩm nhung hươu thuận lợi hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước