Tìm những mảnh ghép còn thiếu của thị trường trái phiếu doanh nghiệp

VTV Digital-Thứ tư, ngày 09/08/2023 05:56 GMT+7

VTV.vn - Những chính sách, giải pháp hỗ trợ đang tạo thêm "hơi ấm" giúp phục hồi "sức sống" cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong vai trò kênh dẫn vốn của nền kinh tế.

Từ đầu năm đến nay, 61.000 trong tổng số 62.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã phát hành thành công kể từ sau khi Nghị định 08 của Chính phủ có hiệu lực.

Trong bức tranh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cơ chế chính sách là một mảnh ghép quan trọng. Nghị định 08 của Chính phủ bổ sung hành lang pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nhiều doanh nghiệp đã có thể thực hiện đàm phán với các chủ sở hữu trái phiếu để cơ cấu lại thời hạn trả nợ từ 1 tháng đến 2 năm, ví dụ như :Tập đoàn Sovico, Novaland, Hưng Thịnh Land…

Việc các doanh nghiệp chủ động đàm phán với chủ sở hữu trái phiếu đã góp phần ổn định tâm lý của nhà đầu tư, đồng thời cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp có thời gian tái cơ cấu, phục hồi sản xuất kinh doanh, qua đó có dòng tiền để trả nợ trái phiếu.

Tìm những mảnh ghép còn thiếu của thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Những mảnh ghép đang dần được lắp ghép để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển hiệu quả, ổn định, bền vững. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

Mới đây, việc có thêm một sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng là mảnh ghép giúp tăng cường tính minh bạch và thanh khoản trên thị trường khi thời gian tới khoảng 1.300 mã trái phiếu sẽ lên sàn tập trung. Tuy nhiên, có thể thấy một vài mảnh ghép vẫn còn thiếu.

Nâng cao vai trò nhà đầu tư tổ chức trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Một mảnh ghép quan trọng còn cần được hoàn thiện trên thị trường trái phiếu chính là các nhà đầu tư tổ chức như: các quỹ đầu tư, quỹ bảo hiểm hay tổ chức tài chính. Để tạo điều kiện cho việc đầu tư qua các quỹ, nhiều nền kinh tế trên thế giới cho phép các ngân hàng thương mại có thể tham gia phân phối chứng chỉ quỹ, tức là bán chứng chỉ quỹ cho nhà đầu tư nhỏ, còn ở Việt Nam hiện vẫn chưa vì có hiện tượng luật chồng luật. Hiện Luật Chứng khoán cho phép các ngân hàng phân phối, nhưng Luật Tổ chức tín dụng không cho phép. Nếu giải quyết được vướng mắc này thì sẽ có thêm dư địa cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp phát triển và mảnh ghép này sẽ hoàn thiện hơn.

Theo chuyên gia, các nhà đầu tư nhỏ lẻ thường không đủ kỹ năng để đánh giá sức khỏe tài chính của doanh nghiệp phát hành. Đầu tư qua quỹ sẽ giúp nhà đầu tư nhỏ lẻ giảm thiểu rủi ro. Bởi chính những tổ chức này sẽ chịu trách nhiệm thẩm định.

"Hiện tại chúng ta đang cấm các ngân hàng, một phần do trong giai đoạn trước thị trường có sự bát nháo. Các ngân hàng khi bán bảo hiểm, bán chứng chỉ quỹ thì họ tư vấn nhà đầu tư như một sản phẩm tiết kiệm, nhưng thực chất là sản phẩm đầu tư, nó có lãi, lỗ, không phải sản phẩm tiết kiệm, nên quan trọng không phải là cấm các ngân hàng thương mại phân phối, mà yêu cầu các ngân hàng tư vấn đúng sản phẩm của mình", ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Trung tâm phân tích Công ty CP Chứng khoán Smart Invest, cho biết.

Hiện các quỹ mở cũng bị giới hạn bởi quy định không được đầu tư quá 10% danh mục là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tuy nhiên thực tế, trên 90% lượng phát hành trên thị trường lại là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, lượng phát hành ra công chúng còn ít. Do đó, các quỹ dù muốn cũng không có nhiều lựa chọn.

"Mong rằng danh mục đầu tư của quỹ trái phiếu sẽ được mở rộng nhiều hơn sang trái phiếu riêng lẻ đã được giao dịch trên HNX, lúc đó các quỹ mới tham gia năng động hơn trên thị trường, lựa chọn nhiều hơn các trái phiếu để mang tới các món ăn phong phú hơn cho nhà đầu tư", bà Nguyễn Thị Hoạt, Phó Tổng giám đốc, Công ty CP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), nói.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, để thu hút được các nhà đầu tư tổ chức tham gia nhiều hơn vào thị trường trái phiếu, cần đa dạng các sản phẩm đầu tư; đồng thời có những giải pháp hỗ trợ tăng thanh khoản như cho phép giao dịch các chứng chỉ quỹ trên sàn chứng khoán để nhà đầu tư có thể dễ dàng mua và bán khi có nhu cầu.

Niềm tin trên thị trường đầu tư trái phiếu cần có công cụ đong đếm

Theo chia sẻ của Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), đơn vị có thị phần lớn về phân phối trái phiếu doanh nghiệp, sau những chỉ đạo, giải pháp quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để khôi phục thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tháng 7 vừa qua, họ đã chứng kiến khoảng 1.000 nhà đầu tư trái phiếu trở lại kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, khối lượng giao dịch cũng tăng gấp đôi sau khi tạo đáy vào đầu năm 2023.

Niềm tin trở lại, nhưng để niềm tin này đủ lớn khỏa lấp phần còn thiếu trên bức tranh thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ cần thêm những giải pháp quyết liệt trong thời gian tới.

Niềm tin là thứ khó đong đếm, nhưng lâu nay nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu vẫn phần nhiều "mù mờ" không biết doanh nghiệp khỏe, yếu ra sao do thiếu quy định xếp hạng tín nhiệm

2024 là năm bắt buộc xếp hạng theo Nghị định 65 và theo nhiều chuyên gia, điều này không nên để chần chừ thêm.

"Khi Nghị định 08 hết hiệu lực vào cuối năm nay, rõ ràng chúng ta phải bắt đầu sớm để thực hiện tốt hơn Nghị định 65 thời gian tới, như sớm cấp phép cho các công ty xếp hạng tín nhiệm để họ bắt đầu vận hành, cởi mở hơn với kênh phát hành ra công chúng và củng cố nền tảng nhà đầu tư", TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, nhận định.

"Xếp hạng tín nhiệm là thông lệ khu vực, áp dụng tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia và rất nhiều thị trường xếp hạng, đặc biệt khi bán cho nhà đầu tư cá nhân dù sơ cấp hay thứ cấp, hàng hóa đó, trái phiếu đó được xếp hạng tín nhiệm giúp giảm rủi ro thị trường", ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, cho biết.

Theo nghiên cứu quốc tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), để cơ chế thị trường vận hành tốt, nhà đầu tư cần phải có lòng tin rằng từ lúc thị trường đang chạy tốt và kể cả khi gặp khó khăn, quyền lợi nhà đầu tư vẫn được bảo vệ, nếu làm được điều này, niềm tin trên thị trường sẽ rất lớn.

"Nếu doanh nghiệp còn hoạt động tốt, nhưng gặp khó khăn về dòng tiền, không đạt được thỏa thuận cơ cấu lãi nợ thì cần có giải pháp trung gian là đơn vị quản trị doanh nghiệp độc lập của nhà nước vào quản trị tạm thời để tìm doanh nghiệp mua lại và thanh toán nghĩa vụ nợ cho chủ đầu tư. Việc phá sản và phát mãi chưa chắc đã tốt nhất", ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nói.

Bộ Tài chính cho biết trong giai đoạn xây dựng các công cụ, giải pháp tăng cường niềm tin trên thị trường, nhà đầu tư khi đặt niềm tin vào kênh trái phiếu cũng phải hiểu rõ bản chất của sản phẩm đầu tư.

"Nhà đầu tư phải nắm bắt rất rõ, thứ nhất nhà đầu tư phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thứ hai là nắm bắt rủi ro của nhà phát hành, rủi ro của nhà phát hành không phải là rủi ro của doanh nghiệp phân phối và nó cũng khác với tiền gửi tiết kiệm. Nhà đầu tư phải đánh giá được đầy đủ rủi ro đó để đưa ra quyết định đầu tư của mình trên thị trường thứ cấp", ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, cho hay.

Ngoài những mảnh ghép lớn về nâng cao vai trò nhà đầu tư tổ chức, khôi phục niềm tin, vẫn cần thêm những mảnh ghép về đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường trái phiếu, phát triển trái phiếu ra công chúng nhiều hơn.

Những mảnh ghép đang dần được lắp ghép để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển hiệu quả, ổn định, bền vững. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sớm hoàn thiện, gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế sẽ bớt dồn lên vai kênh tín dụng và nhiều doanh nghiệp sẽ sớm được giải "cơn khát vốn".

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu 'ấm' dần Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu "ấm" dần

VTV.vn - Theo Bộ Tài chính, tính từ đầu năm đến 28/7, có 36 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với khối lượng 62.300 tỷ đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước