Số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại Hội thảo "Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp" sáng nay (22/8), để cùng bàn về những giải pháp tháo gỡ vướng mắc.
Hội thảo được tổ chức sau khi Thường trực Chính phủ có thông báo số 332 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, lắng nghe các ý kiến, phản ánh của doanh nghiệp, người dân để khẩn trương có các giải pháp kịp thời, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân.
Mức tăng trưởng 4,56% của tín dụng đến cuối tháng 7 là khá thấp, chưa bằng một nửa so với mức 9,5% của cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do những khó khăn chung về kinh tế thế giới khiến nhu cầu vốn và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp giảm sút.
Các chuyên gia cho rằng muốn thúc đẩy tín dụng, cần phải có những giải pháp tổng thể. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Sau một thời gian khó khăn, hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả với ngân hàng khi chi phí đầu vào tăng, còn đơn hàng, doanh thu giảm. Do đó các ngân hàng cũng gặp khó trong việc đánh giá hiệu quả cho vay, vì họ cũng không được hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.
"Các đơn hàng của các nhà nhập khẩu lớn chưa có dấu hiệu phục hồi. Do tổng cầu giảm nên cơ bản nên nhu cầu về nguồn vốn của chúng tôi giảm theo", ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP, cho biết.
"Ngân hàng đã hướng dẫn nếu họ lỗ họ có phương án khắc phục lỗ, sẽ cho vay. Triển khai thêm 2 sản phẩm tín dụng về các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 1 - 2%", bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho hay.
Một yếu tố quan trọng khác cũng được chỉ ra là do tín dụng bất động sản suy giảm, vì nhóm này chiếm tỷ trọng khá nhiều, khoảng 20% tổng dư nợ. Mặc dù tín dụng cho kinh doanh bất động sản tăng trên 17%, vượt cao hơn tốc độ của cả năm 2022, nhưng vốn cho tiêu dùng, mua bất động sản lại sụt giảm lần đầu tiên trong 3 năm.
Năm 2022, cho vay người mua nhà tăng trên 30% cho thấy nguồn vốn đang tập trung vào phía cung, mà thiếu phía cầu. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng muốn thúc đẩy tín dụng, cần phải có những giải pháp tổng thể, tháo gỡ khó khăn về pháp lý, về cầu tiêu dùng, hay những giải pháp giúp doanh nghiệp giảm tồn kho, tăng đơn hàng, như vậy mới tăng nhu cầu vay vốn của thị trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!