Tại tỉnh Quảng Nam, cho vay nhanh gọn, không cần thế chấp, lợi dụng nhu cầu cần tiền để mở rộng sản xuất, khôi phục kinh doanh của nhiều tiểu thương tại khu vực chợ Tam Kỳ và Hội An, nhiều bên cho vay nặng lãi đã nhanh chóng tiếp cận người cần vay.
Một người phụ nữ lỡ vay 200 triệu đồng với lãi suất hơn 360%/năm, mặc dù đã lo đủ số tiền trả nợ, nhưng các đối tượng cho vay tìm cách không nhận tiền, buộc chị phải sai hẹn hợp đồng, phải chịu nộp phạt và đe dọa.
"Tôi vay 5 triệu đồng, mỗi ngày phải nộp 250.000 đồng. Ngày nào có việc phải nghỉ thì các đối tượng đòi đánh, đòi chém", người vay tiền tín dụng đen cho hay.
Tại Nghệ An, các hình thức cho vay nặng lãi trong thời gian qua có xu hướng dạt từ thành thị về nông thôn. Phổ biến nhất là cho vay tiền nóng theo ngày tại các tiệm cầm đồ, hoặc công ty hỗ trợ tài chính, kêu gọi tham gia bốc bát họ…
Với lãi suất 5.000 đồng/1 triệu một ngày, tương đương 180%/năm, do vay 100 triệu đồng, nên mỗi tháng, một nam thanh niên tại đây phải trả riêng tiền lãi gần 16 triệu đồng.
"Do kinh doanh nên tôi vay 100 triệu đồng. 5 lượt vay, mỗi đợt 20 triệu, trong mỗi lần như thế phía công ty cắt của tôi 4 triệu, trả trong vòng 50 ngày, mỗi ngày tôi phải trả 400.000 đồng", người vay tiền tín dụng đen cho biết.
Còn trên không gian mạng, các hình thức cho vay trực tuyến, vay online cũng đã có sự chuyển đổi, hoạt động âm thầm, len lỏi để tìm kiếm khách hàng. Chẳng hạn như để lẩn tránh trước sự đấu tranh quyết liệt của lực lượng công an, nhiều app cho vay đã đổi tên như: UVay đổi thành EVay; Xe tiền nhanh thành Ví vay nhanh; hoặc một số app co cụm lại như app Ví tò mò, Vay40 hay Vay vui vẻ…
Hiện có hàng trăm app đã xóa khỏi ứng dụng trên điện thoại để cho vay trên web.
"Các app này dường như là cùng một công ty, vì em đã nhiều lần vay tiền và chuyển khoản, họ đều đưa ra một tài khoản như nhau để chuyển tiền vào tài khoản công ty đó", người vay tiền online nói.
"Người đi vay, đến thời hạn trả lãi không trả được lãi lại tiếp tục được đối tượng chỉ đến các app khác để vay tiền trả, tiếp nối khoản vay, dẫn đến tình trạng lãi chồng lãi", Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng phòng Trọng án Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) nhận định.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện có hàng trăm app đã xóa khỏi ứng dụng trên điện thoại để cho vay trên web. Lãi suất vay trên các trang web khoảng 800%/năm, người vay ngoài việc phải cung cấp các thông tin cá nhân, còn phải quay video chính mình, thậm chí là clip khỏa thân để nói về các khoản nợ. Nếu trễ hẹn, các đối tượng sẽ tung các đoạn video này lên các trang mạng xã hội để bôi nhọ danh dự của người vay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!