Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN.
Theo báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, chỉ trong tháng 11, các ngân hàng thương mại đã "bơm" ra thị trường khoảng 126.600 tỷ đồng tín dụng, tăng gần gấp đôi so với tháng 10 và gấp 3 lần so với thời điểm tháng 8 - 9/2021.
Nhu cầu tăng mạnh trong môi trường lãi suất thấp và quan điểm nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng phục hồi mạnh trong quý IV/2021. Đây cũng là cơ sở cho tăng trưởng tín dụng tiếp tục hồi phục trong năm 2022.
Theo SSI, tín dụng tăng trưởng tốt là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang đi đúng hướng cho việc phục hồi sau đại dịch, cùng với sự cải thiện của số liệu vĩ mô tháng 11. Bên cạnh đó, góp phần cho dư nợ tín dụng tăng mạnh là gói hỗ trợ lãi suất tại TP Hồ Chí Minh được đẩy mạnh từ tháng 10 để hỗ trợ nền kinh tế.
“Nhìn chung, nền kinh tế dường như đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch và chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 sẽ đạt khoảng 13% và phù hợp với động thái nâng trần tín dụng tại một số ngân hàng thương mại gần đây từ Ngân hàng Nhà nước”, báo cáo của SSI nhận định.
Các chuyên gia của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng cho rằng, mục tiêu tín dụng 13% trong năm 2021 được hỗ trợ bởi việc nới chỉ tiêu tín dụng trong quý IV/2021 cho các ngân hàng. Nhiều ngân hàng được cấp thêm chỉ tiêu tín dụng trong quý IV đã giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, trong điều kiện nhiều ngân hàng đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm.
Trong năm 2022, BSC dự báo nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao khoảng 13%, được hỗ trợ bởi nền kinh tế sẽ tiếp tục hồi phục sau dịch bệnh; gói hỗ trợ có thể lên đến 800.000 tỷ đồng trong 2-3 năm tới sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!