Tín dụng xanh chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ của nền kinh tế

Sơn Nghĩa-Thứ sáu, ngày 18/10/2024 20:29 GMT+7

VTV.vn - Tín dụng xanh chiếm 4,5% tổng dư nợ, trái phiếu xanh chỉ chiếm 1% thị trường. Dù là công cụ huy động vốn chính cho các dự án xanh, nhưng DN vẫn gặp khó khăn.

Tín dụng xanh chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ của nền kinh tế, trong khi thị trường trái phiếu xanh vẫn còn rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 1% tổng thị trường trái phiếu. Mặc dù tín dụng xanh đang trở thành công cụ huy động vốn chủ yếu cho các dự án xanh tại Việt Nam, lĩnh vực này vẫn đối mặt với nhiều khó khăn về khung pháp lý và sự thiếu đồng bộ trong quy định phân loại tín dụng xanh.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi hội thảo "Tài chính xanh: Chia sẻ lợi ích - rủi ro giữa doanh nghiệp và ngân hàng", do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) và một số đơn vị phối hợp tổ chức ngày 18/10 tại TP Hồ Chí Minh.

Theo Ban tổ chức, dù Chính phủ và các tổ chức tài chính đã có nhiều nỗ lực nhằm khuyến khích các dự án xanh, kết quả vẫn chưa thực sự khả quan. Trái phiếu xanh chỉ chiếm 1% tổng thị trường trái phiếu. Về tín dụng xanh, tính đến ngày 30/6/2024, có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với tổng số tiền 650.300 tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, nhưng phần lớn các khoản vay này vẫn tập trung vào các ngành năng lượng tái tạo và nông nghiệp xanh.

Nguyên nhân chính khiến tín dụng xanh và trái phiếu xanh chưa phát triển mạnh tại Việt Nam, theo các diễn giả, là sự thiếu hụt về khung pháp lý và tiêu chuẩn đánh giá các dự án xanh. Dù Chính phủ đã đặt mục tiêu trong Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có danh mục phân loại xanh rõ ràng, phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế. Điều này khiến các ngân hàng và tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc thẩm định và cho vay đối với các dự án xanh.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển tín dụng xanh và trái phiếu xanh. TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, cho rằng Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và tổ chức tín dụng tiếp cận và cung cấp vốn cho các dự án xanh. Ông nhấn mạnh rằng, chỉ khi tín dụng xanh chiếm từ 30 - 40% tổng dư nợ tín dụng thì sự chuyển đổi xanh của nền kinh tế mới có kết quả rõ rệt.

Đại diện các ngân hàng và tổ chức tài chính cũng đề xuất việc đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng xanh, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo mà còn mở rộng sang các ngành khác như giao thông, xây dựng và xử lý chất thải. Điều này đòi hỏi cần có thêm các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, bao gồm các tiêu chí đánh giá rõ ràng và cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh.

Một đề xuất khác đến từ các chuyên gia tài chính là cần có sự tham gia mạnh mẽ hơn từ các tổ chức tài chính quốc tế, nhằm bổ sung nguồn vốn cho các dự án xanh trong nước. Ngoài ra, việc đào tạo nhân lực chuyên nghiệp về tín dụng xanh cũng là một yếu tố quan trọng, giúp giảm rủi ro cho các ngân hàng và doanh nghiệp khi triển khai các dự án.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước