Doanh nghiệp vận tải biển hưởng lợi
Sự dịch chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Việt Nam và Mexico đang thúc đẩy nhu cầu vận tải biển gia tăng mạnh hơn bao giờ hết.
Theo BVSC, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng trong khu vực sẽ còn kéo dài đến hết năm nay trong bối cảnh nhu cầu xuất nhập khẩu vẫn mạnh khiến cho cho lượng vận tải bằng tàu container duy trì ở mức cao. Đồng thời, căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông đang diễn ra phức tạp, có thể ảnh hưởng đến hoạt động của một số tuyến tàu từ châu Á - châu Âu.
Theo thông tin từ Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tình trạng tắc nghẽn Cảng Singapore - cảng container lớn thứ hai thế giới đến hiện nay là hơn 4 tháng. Tình hình tuy đã “hạ nhiệt” nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hiện thời gian chờ trung bình của các tàu để được vào cảng vẫn ở mức cao.
Hơn thế nữa, tình trạng tắc nghẽn tại Cảng Singapore còn gây tác động lan truyền đến các cảng trong khu vực như Cảng Cao Hùng - cảng container lớn nhất của Đài Loan (Trung Quốc). Cảng này đã ghi nhận tình trạng tắc nghẹn với thời gian chờ vào cảng lên đến 1,5 ngày. Dữ liệu thực tế (tính đến ngày 1/10) của hãng nghiên cứu thị trường vận tải biển Linerlytica cho thấy các tàu đang phải chờ 2,7 ngày để vào cụm cảng Thượng Hải – Ninh Ba, cụm cảng container lớn nhất thế giới.
Trong bối cảnh nghẽn cảng nghiêm trọng tại Singapore cùng với sự gia tăng nhu cầu vận chuyển đã và đang gây ra hiệu ứng lan truyền đến các cảng khác trong khu vực, mang lại lợi thế cho các cảng biển nước sâu tại Việt Nam khi các tàu container lớn có xu hướng chuyển dịch sang các cảng khác trong khu vực. Thông qua đó mở ra cơ hội thúc đẩy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển và cảng biển nước ta.
Báo cáo mới nhất từ Vietcombank Securities (VCBS) cho thấy, sản lượng container thông qua các cảng biển Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024 đã tăng trưởng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó có những cảng mức tăng lên tới 2 con số như: Cảng Gemalink tại CM-TV ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng lên tới 75%, Cảng CMIT tăng 57%...
Đáng chú ý, giá cước vận chuyển container nội địa tăng mạnh. Tại thời điểm tháng 9/2024, giá cước trên các tuyền chủ chốt là Hải Phòng - TP.Hồ Chí Minh và TP.Hồ Chí Minh - Đà Nẵng đã lần lượt tăng 15% và 9% so với hồi đầu năm nay, và tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vận tải biển. Điển hình như Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An, theo Báo cáo tài chính quý II, doanh thu của Công ty đạt 948,79 tỷ đồng, tăng 55,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 110,74 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn dưới góc độ kinh tế vĩ mô, các chuyên gia kinh tế nhận định, những con số tăng trưởng về cảng biển cũng như triển vọng phát triển thời gian tới cho thấy Việt Nam đang dần trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới cung ứng khu vực và toàn cầu.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên VTV Times, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tạo ra sự dịch chuyển lớn trong dòng chảy thương mại và mở ra những cơ hội đầy hứa hẹn cho nền kinh tế Việt Nam khi mà chúng ta đang ở vị thế thuận lợi để trở thành trung tâm logistics mới của khu vực. "Để phát huy lợi thế, thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics", ông Hiếu nhấn mạnh.
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu "đau đầu" vì giá cước
Theo các chuyên gia, những thông tin chưa rõ ràng trước thềm bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ cũng gây ảnh hưởng tâm lý thị trường, làm tăng cục bộ nhu cầu vận tải trong những tháng cuối năm.
Đối với khu vực doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tình trạng thiếu container rỗng, ùn tắc nghiêm trọng tại các cảng châu Á và châu Âu, đẩy giá cước vận tải biển những tháng gần đây tăng mạnh khiến họ rất "đau đầu".
"Giá cước vận tải đang tăng mạnh gây ảnh hưởng nặng nề tới hiệu quả xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa với năng lực tài chính yếu", ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Các doanh nghiệp còn đang khó đặt được container rỗng, phải chờ đợi rất lâu mới có container để vận chuyển.
Điển hình một trong những ngành hàng có chi phí vận chuyển rất cao là ngành gỗ. Theo ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, sản phẩm gỗ khá đặc thù và có đặc điểm cồng kềnh hơn so với các sản phẩm khác nên chi phí vận tải biển rất cao. Các doanh nghiệp thành viên thông tin, giá cước vận tải biển đi một số thị trường như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) đã tăng lên 7.000-8.000 USD, gấp đôi mức bình thường. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp còn đang khó đặt được container rỗng, phải chờ đợi rất lâu mới có container để vận chuyển.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) thông tin thêm, hiện nay, việc tăng phụ phí cũng là vấn đề đáng chú ý. Cơ quan chức năng đã làm việc với các hãng tàu để cố gắng đưa các khoản phụ phí đó vào khuôn khổ, dù có gia tăng thì cũng ở mức chấp nhận được nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo xuất khẩu đạt hiệu quả, nhất là vào những tháng cuối năm khi xuất khẩu tăng tốc. "Bộ Công thương đã nhiều lần khuyến nghị doanh nghiệp cần đàm phán hợp đồng với các nhà nhập khẩu, tiết giảm chi phí sản xuất, chuyển đổi sản xuất giá trị gia tăng cao hơn và đa dạng hóa thị trường…", ông Hải cho biết thêm.
"Doanh nghiệp có thể nỗ lực đàm phán để tìm cách giảm bớt chi phí giá cước tàu hoặc có thể tính đến phương án tạm ngưng xuất khẩu với những đơn hàng kém quan trọng. Đây là thời điểm rất cần sự đồng hành, phối hợp giữa các doanh nghiệp với các hãng vận tải, tàu biển để thu xếp kế hoạch giao hàng phù hợp, nhất là vấn đề thu xếp vỏ container rỗng để đảm bảo nhu cầu sản xuất, xuất khẩu hàng hoá", ông Nam khuyến nghị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!