Quy mô phát hành TPDN tăng vọt trong 6 tháng đầu năm 2020
Tổng khối lượng TPDN phát hành trong Q2.2020 là 122,3 nghìn tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm con số đạt 171,5 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 69.7% và 61,3% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, bức tranh phát hành TPDN vẫn bị tình trạng "đi 1 chân" khi chỉ có 10 nghìn tỷ đồng (chiếm 5,8% tổng lượng phát hành) phát hành ra công chúng, 94,2% là phát hành riêng lẻ của 133 doanh nghiệp và được chia thành 826 đợt.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, nhóm các doanh nghiệp bất động sản phát hành nhiều nhất, tổng cộng 71,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,8% tổng lượng phát hành và tăng 57,5% so với cùng kỳ. Đứng thứ 2 là nhóm ngân hàng với tổng giá trị phát hành là 47,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27,6% và tăng 31,2% so với cùng kỳ. Nhóm năng lượng và khoáng sản phát hành 10,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 6,1%) - gấp 5,3 lần cùng kỳ 2019. Còn lại là nhóm phát triển hạ tầng (1,6%), các công ty dịch vụ tài chính (1,7%) và các doanh nghiệp khác.
Quy mô thị trường TPDN tăng khoảng 15,6% so với cuối năm 2019, lên mức 791 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 12,9% GDP nhưng vẫn còn cách khá xa mức 23% GDP của Thái Lan; 33-35% GDP của Trung Quốc, Singapore; 50,9% GDP của Malaysia và 80% GDP của Hàn Quốc (theo ADB). So với các kênh huy động vốn khác tại Việt Nam, kênh TPDN vẫn có quy mô khá khiêm tốn. Nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào tín dụng ngân hàng, tổng quy mô tín dụng tại 30/6/2020 là 8,48 triệu tỷ đồng, tương đương 138,5% GDP và gấp 10,75 lần kênh trái phiếu doanh nghiệp.
Nhà đầu tư cá nhân và các ngân hàng thương mại mua nhiều hơn trên sơ cấp
Trong quý 2/2020, nhà đầu tư (NĐT) cá nhân mua 13,3 nghìn tỷ đồng TPDN trên sơ cấp, tăng 38% so với quý 1/2020; lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, nhóm này mua 23 nghìn tỷ đồng, tương đương 13,4% tổng lượng phát hành toàn thị trường và bằng 79% lượng mua cả NĐT cá nhân cả năm 2019, trong đó, NĐT cá nhân mua 14,54 nghìn đồng trái phiếu bất động sản (chiếm 63%), 5.325 tỷ đồng trái phiếu ngân hàng (23%), 1.726 tỷ đồng trái phiếu Masan (chiếm 7,5%) còn lại là các doanh nghiệp khác.
Các ngân hàng mua vào tổng cộng 38,4 nghìn tỷ đồng TPDN của các tổ chức phi tín dụng trên thị trường sơ cấp trong 6 tháng đầu năm 2020, tương đương 31% tổng lượng phát hành (loại trừ ngân hàng) của toàn thị trường. Các ngân hàng thương mại (NHTM) tập trung mua các trái phiếu bất động sản và trái phiếu các doanh nghiệp năng lượng. Số lượng TPDN các NHTM mua thực tế có thể lớn hơn đáng kể do nhiều lô phát hành chỉ ghi chung chung là tổ chức trong nước mua. Theo báo tài chính của các NHTM, đến hết Q1.2020, lượng trái phiếu của Tổ chức Kinh tế do 18 NHTM niêm yết nắm giữ đã là 165,2 nghìn tỷ đồng, tăng 37,2 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2019, trong đó nhiều nhất là Techcombank và Vpbank.
Thị trường thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp sẽ vẫn rất sôi động
Mức chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất tiền gửi tiếp tục giãn rộng cùng với kho TPDN lớn do sự tăng trưởng mạnh mẽ quy mô phát hành từ đầu 2019 đến nay và sự tham gia ngày càng tích cực của các Ngân hàng và Công ty chứng khoán sẽ khiến thị trường TPDN thứ cấp sẽ vẫn sôi động trong nửa cuối năm 2020.
Sự phát triển của thị trường trái phiếu nói chung và thị trường TPDN nói riêng là tất yếu để tạo sự cân bằng và nâng cao chất lượng thị trường tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, mức tăng trưởng quá nóng giai đoạn gần đây tiềm ẩn nhiều rủi ro với sự bền vững của thị trường. Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã liên tục phát đi cảnh báo với thị trường, lấy ý kiến thị trường và đã chính thức ban hành Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018/NĐCP.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp quý 3/2020 có thể tăng nóng nhưng sẽ hạ nhiệt trong quý 4/2020
Sự gia tăng phát hành mạnh trong quý 2/2020 một phần cũng là sự tăng tốc trước khi các điều kiện phát hành bị siết chặt lại trước khi Nghị định 81 có hiệu lực từ 1/9. Bởi vậy, trong 2 tháng 7-8/2020, các doanh nghiệp có thể sẽ gia tăng mạnh phát hành trước khi Nghị định 81 chính thức có hiệu lực.
Sau thời điểm 1/9/2020, các đợt phát hành riêng lẻ sẽ giảm mạnh, các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành phần lớn sẽ phải chuyển qua phát hành ra công chúng. Cùng với việc Ngân hàng Nhà nước giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung vào dài hạn, kênh tín dụng của các NHTM sẽ trở lại thành kênh tài trợ vốn chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!