Người Nhật muốn mang giống tỏi voi đến trồng tại Lý Sơn để xuất khẩu - mới nghe thoáng qua, có thể nhiều người sẽ nghĩ đơn giản là chỉ trồng thêm một giống tỏi khác. Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ liệu việc có thêm một giống tỏi ngoại lai có dẫn đến nguy cơ mất đi một thương hiệu nông sản Việt nổi tiếng hay không?
Theo báo Tuổi trẻ, đây chỉ là lo ngại một phía từ các nhà nông học và người dân bởi đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho rằng nếu được cấp phép tỏi voi Nhật cũng chỉ được trồng thí điểm trên vài chục ha. Ngoài ra, việc có thương hiệu khác du nhập sẽ góp phần tạo ra sự cạnh tranh, thậm chí còn nâng cao giá trị thương hiệu của tỏi Lý Sơn.
Tuy nhiên, vài chục ha cũng là khoảng 1/10 diện tích trồng tỏi tại Lý Sơn. Theo chuyên gia nông học Nguyễn Văn Kết (Đại học Đà Lạt), một khi tỏi Lý Sơn phải chia sẻ nguồn đất vốn dĩ đã không nhiều của huyện đảo này rất có thể năng suất sẽ là điều khiến người dân phải bận tâm.
Theo doanh nghiệp Nhật Bản, giống tỏi voi có năng suất khoảng 4 - 5 tấn/ha. Còn theo thông tin trên website của tỉnh Quảng Ngãi, vào tháng 3/2017, người dân Lý Sơn vui mừng phấn khởi vì tỏi bội thu, tăng 30% so với niên vụ trước, năng suất thu hoạch đạt khoảng 60 - 70 tạ/ha.
Theo nhà nông học Lê Tiến Dũng (Đại học Nông lâm Huế), kém về năng suất có thể khiến tỏi Lý Sơn mất đi vị trí vì cạnh tranh không được, dần dần có thể bị diệt vong như các cây trồng khác hiện nay. Trong quá khứ, Việt Nam đã có bài học đắt giá về giống, đơn cử như lúa de An Cựu của Huế. Theo chia sẻ của người dân, vào những năm 1973, do năng suất chỉ đạt 10 thùng/sào, họ chuyển sang cấy giống lúa khác cho năng suất cao hơn nên giống lúa de của Huế hiện chỉ còn được lưu lại tại Viện lúa Quốc tế tại Philippines.
Trước rất nhiều ý kiến băn khoăn đặt ra, trao đổi trên báo Tuổi trẻ, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng khẳng định, đề xuất là của doanh nghiệp còn quyết định là của tỉnh. Việc doanh nghiệp Nhật Bản được đi khảo sát không đồng nghĩa với việc được đầu tư.
Chưa rõ quyết định cuối cùng của tỉnh Quảng Ngãi sẽ ra sao, chỉ biết rằng ở các nước phát triển, chính sách bảo hộ nông sản rất được coi trọng bởi quỹ gen là nguồn tài sản quý của quốc gia, giúp các sản vật đặc trưng vùng miền tồn tại đến muôn đời sau. Nhiều người đã biết, tại Lý Sơn, giống tỏi cô đơn là giống tỏi được người tiêu dùng săn lùng nhiều nhất và không biết liệu nó có muốn được mãi "cô đơn" trên huyện đảo hay không?
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!