Nếu như năm 2018, chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 81 bậc, xếp thứ 86/109 nền kinh tế thì năm 2019, theo công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới, chỉ số này đã bị tụt xuống 45 bậc so với năm 2018. Sự sụt giảm này được coi là khá bất ngờ khi năm 2018, thời gian nộp thuế không thay đổi. Phản hồi về nội dung này, đại diện Tổng cục Thuế đã lên tiếng.
Cụ thể, thời gian nộp thuế của Việt Nam theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới vẫn là 498 giờ, trong đó, thuế là 351 giờ và bảo hiểm xã hội là 147 giờ, không thay đổi so với năm trước. Một số cải cách về thuế chưa được ghi nhận như việc bỏ bảng kê hóa đơn từ năm 2014, nhưng đến nay, Ngân hàng Thế giới vẫn tính thời gian lập bảng kê này mất 90 giờ. Số lần nộp thuế đã giảm chỉ còn 10 lần, giảm 4 lần so với năm trước.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến chỉ số nộp thuế năm 2019 bị tụt hạng?
Theo đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, sở dĩ có sự thay đổi về xếp hạng nộp thuế của Việt Nam năm 2019 là kết quả của việc thay đổi khung pháp lý của Việt Nam về sửa đổi một số điều tại các thông tư về thuế. Sự sụt giảm về xếp hạng của Việt Nam năm 2019 không phản ánh sự tụt hạng so với năm ngoái.
Đại diện Công ty Pwc Việt Nam, một trong các đơn vị tham gia vào cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế giới cũng cho biết, Ngân hàng Thế giới đánh giá chỉ số nộp thuế theo 4 yếu tố: Số lần nộp thuế, số giờ nộp thuế, tổng mức thuế suất trên lợi nhuận và thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng. Trong 4 tiêu chí này, tiêu chí cuối cùng là hoàn thuế của Việt Nam chỉ được 0 điểm dẫn đến sự sụt giảm về xếp hạng.
Tuy nhiên, vị đại diện này cũng khẳng định, việc xếp hạng chỉ số nộp thuế của Ngân hàng Thế giới không thể hiện là Việt Nam đang đi thụt lùi về cải cách thủ tục hành chính thuế. Bởi ngoài tiêu chí về hoàn thuế thì các tiêu chí khác như số lần nộp thuế, thời gian nộp thuế cũng đã giảm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!