Tuy nhiên trong phần lớn thương vụ, nhà đầu tư nước ngoài luôn đóng vai trò là bên mua. Đây có phải là hiện tượng đáng lo ngại, doanh nghiệp Việt có đứng trước nguy cơ bị thâu tóm ngay trên sân nhà?.
Trong số 10 thương vụ M&A lớn nhất năm qua, có đến 90% thương vụ có khối ngoại là bên mua, trong đó top 3 giao dịch giá trị lớn nhất, quy mô hơn tỷ USD thuộc về các nhà đầu tư Thái Lan, mua lại Big C Việt Nam, đầu tư vào tập đoàn Masan và hoàn tất mua hệ thống bán lẻ Metro.
Nhưng theo các chuyên gia, với đặc tính thị trường Việt Nam thời điểm này, hiện tượng khối ngoại là người chơi chính trên sân M&A không phải là vấn đề đáng lo ngại.
"Theo Luật kinh doanh sửa đổi, M&A là một hình thức huy động vốn đầu tư. Kinh tế vĩ mô Việt Nam đang gặp khó khăn, M&A là một giải pháp huy động vốn hiệu quả, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đưa nền kinh tế đi lên", ông Nguyễn Anh Tuấn - Cố vấn cấp cao Diễn đàn M&A Việt Nam 2016 cho biết.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Tuấn, M&A là một khái niệm mới tại Việt Nam, các nhà đầu tư nội chưa có nhiều kinh nghiệm, đồng thời không mang được tính mới đến cho công ty mục tiêu. Chính vì vậy M&A Việt còn hạn chế.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2016 bị điều chỉnh giảm từ 6,2% xuống còn 6%. Câu hỏi làm thế nào để hạn chế tiêu cực của hoạt động M&A, để Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam không bị thua thiệt trong các thương vụ với khối ngoại. Những băn khoăn này sẽ là nội dung chính được thảo luận của Diễn đàn M&A diễn ra vào giữa tháng 8 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!