Tour du lịch "ăn theo" phim Kong: Cần cách làm bền vững!

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ hai, ngày 27/03/2017 09:27 GMT+7

VTV.vn - Nhiều công ty lữ hành ồ ạt tung ra các tour du lịch "ăn theo" phim Kong: Skull Island nhưng sự bền vững trong cách làm này không phải đơn vị nào cũng tính đến.

Sau nửa tháng công chiếu, ngoài cơn sốt phòng vé và trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều đề tài biếm họa, phim Kong: Skull Island cũng trở thành nguồn khai thác của các công ty lữ hành. Từ công ty nội đến công ty ngoại, đều tung ra các tour du lịch "theo dấu chân Kong", đưa du khách khám phá các địa danh của Việt Nam xuất hiện trên phim.

Tờ Tuổi Trẻ thống kê, chỉ sau 1 tuần công chiếu, khách du lịch đến Quảng Ninh và Quảng Bình cũng đã tăng đến 20%. Điều này cũng giải thích cho sự nở rộ của các tour du lịch liên quan đến những địa danh đã quay bộ phim.

Thậm chí, báo Lao Động dùng từ "ồ ạt" để nói về các tour ăn theo hiệu ứng của bộ phim. Tờ này cho rằng việc quảng bá tour đáng lẽ sẽ hiệu quả nếu nó được làm rầm rộ từ một năm trước, khi đoàn phim vừa đóng máy...

Tuy nhiên, điều nhiều người băn khoăn nhiều hơn đó là sự bền vững của những cách làm này. Du lịch Việt Nam từng có nhiều cơ hội tốt như: hang Sơn Đoòng lên truyền hình Mỹ, Tổng thống Clinton sang ăn phở hay Tổng thống Obama ăn bún chả..., nhưng dường như tất cả các cơ hội ấy cứ nổi rồi lại chìm.

Theo thống kê về lượng khách du lịch đến Quảng Bình trong những năm gần đây, đỉnh điểm lượng du khách đến địa phương này là 3 triệu lượt khách vào năm 2015 - năm Sơn Đoòng hút hồn người xem trên kênh truyền hình ABC của Mỹ. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, lượng khách đến với tỉnh giảm đáng kể - chỉ còn chưa đến 2 triệu lượt khách. Năm 2017, ngành du lịch tỉnh này đặt lại mục tiêu 3 triệu lượt với hy vọng từ bộ phim bom tấn của Hollywood.

Nếu du lịch chỉ trông chờ vào chú khỉ Kong có lẽ hơi khó. Bởi có một sự thật là sau hơn một năm đoàn làm phim chào tạm biệt Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có thêm dự án nào hoặc đoàn làm phim quốc tế nào đánh tiếng với chúng ta.

"Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn: phải bền vững trước đã!" là một chia sẻ trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Những ví dụ được đưa ra rất cụ thể như: Sự thiếu đa dạng của thị trường, cả nước đón khoảng 10 triệu lượt khách quốc tế nhưng gần một nửa trong số đó đến từ ba thị trường gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc; Những địa danh như Sapa, làng cổ Đường Lâm khi bùng nổ du lịch lại không còn đẹp nữa.

Ngành du lịch nước nhà đã sử dụng slogan "Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn" suốt 6 năm, rồi sau đó thay thế bằng "Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận". Việt Nam đẹp tiềm ẩn hay đẹp bất tận là điều không ai bàn cãi, nhưng đẹp bền vững lại là một câu chuyện khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước