Qua 5 tháng, giải ngân đầu tư công tại TP. Hồ Chí Minh đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ vượt mốc 10% kế hoạch vốn. Thành phố là một trong những địa phương được giao lượng vốn đầu tư công nhiều nhất cả nước trong năm nay. Áp lực giải ngân lượng vốn còn lại rất lớn. Chính quyền TP. Hồ Chí Minh đang tập trung nhiều giải pháp, trong đó có gỡ các khó khăn vướng mắc của các nhà thầu dự án.
Dự án xây mới trường Bình Trị Đông B quy mô gần 280 tỷ đồng tại TP. Hồ Chí Minh. Để kịp đưa công trình vào sử dụng vào cuối tháng 9, nhà thầu đang làm nhiều cách để khắc phục tình trạng khó nguồn cung vật liệu.
Ông Trần Quang Nhi - Đại diện nhà thầu cho biết: "Mình sẽ tìm nhiều đơn vị cung cấp. Tất cả vật tư nhập về công trình sẽ có từ hai đến ba đơn vị trở lên. Nếu đơn vị này không đáp ứng kịp thời tiến độ dự án thì sẽ có những đơn vị khác".
Giá trị giải ngân đầu tư công qua 5 tháng đầu năm của đầu tàu kinh tế đạt hơn 9.000 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu tỷ lệ cả năm đạt 95% kế hoạch vốn, ước tính trong 7 tháng còn lại, thành phố cần giải ngân hơn 9.000 tỷ đồng mỗi tháng. Các giải pháp được tập trung cho 4 ban quản lý dự án lớn nắm hơn 60% vốn đầu tư công.
Dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương hiện đã nhận bàn giao hơn 90% mặt bằng cần có. Các nhà thầu đang trong giai đoạn di dời, tái lập hạ tầng kĩ thuật để có thể chuẩn bị khởi công một số gói thầu chính vào đầu năm sau.
Để đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm, Ban Giao thông thành phố cho biết, một mặt đang nỗ lực làm việc với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để huy động nguồn cát san lấp. Nhưng mặt khác cũng sẽ xử lý những nhà thầu không làm tròn trách nhiệm.
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến: "Các nhà thầu cần tiếp tục chủ động tìm kiếm các mỏ vật liệu để chuyển về công trường theo tiến độ đã yêu cầu trong hợp đồng. Thậm chí, có thể sẽ bị xử phạt nếu không đảm bảo được tiến độ yêu cầu".
Lãnh đạo chính quyền TP. Hồ Chí Minh yêu cầu trong tháng 6 sẽ tập trung đôn đốc, kiểm tra xử lý các nhà thầu để cải thiện tỷ lệ giải ngân. Cùng với đó là hỗ trợ xử lý các kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh nhận định: "Những yêu cầu chính đáng của nhà thầu, chúng ta phải ngồi lại để xem xét. Như yêu cầu của nhà thầu Nhật Bản trong dự án metro và các dự án khác, nếu như trước đây người ta bỏ thầu chúng ta mức 180.000 - 200.000 đồng/m3 cát. Bây giờ cát lên 300.000 đồng, chúng ta phải ngồi đàm phán lại, ký phụ lục hợp đồng để dự án chạy".
Với nhóm dự án đang làm thủ tục đầu tư, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đang tiếp tục các giải pháp đẩy mạnh ủy quyền nhiều thủ tục cho cấp quận, huyện để tăng tính chủ động. Một số quy trình được rút ngắn chỉ còn mất khoảng 1/3 thời gian so với trước để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!