Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên. (Ảnh: PLO)
Đây cũng là kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương năm 2022 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến phân bổ cho thành phố.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự kiến phương án phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2022 từ các vốn ngân sách nhà nước với tổng mức đầu tư là hơn 54.000 tỷ đồng cho TP Hồ Chí Minh.
Trong đó vốn ngân sách của thành phố là hơn 42.500 tỷ đồng; vốn đầu tư công cân đối từ nguồn bội chi ngân sách thành phố trong năm 2022 là hơn 9.000 tỷ đồng; vốn cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp hơn 1.700 tỷ đồng, vốn ODA 711 tỷ đồng...
Đây sẽ là nguồn lực để thực hiện các dự án như: xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên; nút giao thông An Phú; xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 qua huyện Bình Chánh...
Căn cứ vào khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công năm 2022 nguồn vốn ngân sách địa phương của thành phố nêu trên, thành phố có thể cân đối bố trí đủ vốn cho toàn bộ nhu cầu vốn đầu tư các chương trình, dự án, đối tượng đầu tư công trong phạm vi kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua.
Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh giao Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh sử dụng vốn đầu tư công có hiệu quả, tiết kiệm; quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng trường học, y tế, giao thông phục vụ dân sinh, các dự án phục vụ công tác phòng chống dịch.
Với các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng, các dự án đã có khối lượng và dự án có khả năng hoàn thành trong năm cần xem xét ưu tiên bố trí đảm bảo đủ vốn để thực hiện dự án, không để nợ đọng xây dựng cơ bản.
Ủy ban nhân dân thành phố tránh bố trí dàn trải cho nhiều dự án chưa thật sự cần thiết gây mất cân đối khi bố trí sử dụng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!