Hiện tại tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 23% trong tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố. Việc nâng tỉ trọng công nghiệp công nghệ cao không chỉ duy trì sự đóng góp của Thành phố vào nền kinh tế quốc gia mà còn củng cố vị thế dẫn đầu của Thành phố trong cả nước và khu vực. Mục tiêu của TP. Hồ Chí Minh là xây dựng một nền kinh tế bền vững, bao trùm và có khả năng phục hồi, trở thành mô hình có thể tham khảo đối với các địa phương.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: "Hiện nay, cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong thị trường quốc tế, hướng tới các phương thức sản xuất bền vững và có trách nhiệm hơn. Trong đó, nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn, gắn kết thương mại với phát triển bền vững. Vì vậy, để duy trì sự hiện diện vững chắc trên thị trường toàn cầu, TP Hồ Chí Minh cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn này. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh đã áp dụng một chiến lược kép, kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, đồng thời, tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào tự động hóa, nhà máy thông minh và công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm nâng cấp chuỗi giá trị cho sản phẩm...".
Đẩy mạnh chuyển đổi công nghiệp là giải pháp then chốt giúp các quốc gia tạo ra sự phát triển bứt phá, vươn lên
Còn theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, thế giới đang chứng kiến những chuyển đổi mang tính thời đại, điển hình là cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển bứt phá, nhưng cũng đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ. Phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và các công nghệ mới làm thay đổi nhanh chóng các mô hình sản xuất, kinh doanh truyền thống. Trong bối cảnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi công nghiệp là giải pháp then chốt giúp các quốc gia tạo ra sự phát triển bứt phá, vươn lên.
"Muốn chuyển đổi công nghiệp thành công, TP Hồ Chí Minh cần xây dựng các mô hình, phương thức hợp tác để cùng nhau kiến tạo hệ sinh thái chuyển đổi công nghiệp. Mặt khác, TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, cần phải tiên phong trong chuyển đổi công nghiệp, để đưa ngành công nghiệp trở thành một động lực tăng trưởng của TP trong giai đoạn mới. Khi TP Hồ Chí Minh chuyển đổi công nghiệp thành công sẽ giúp nền kinh tế phát triển bền vững hơn, tạo ra nhiều giá trị kinh tế cao hơn", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết thêm.
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), việc tăng cường tự động hóa và ứng dụng công nghệ cao trong phát triển công nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp tăng năng suất lao động lên đến 30% trong vòng 10 năm tới, từ đó giúp giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và tăng cường khả năng cạnh tranh. Vì vậy, doanh nghiệp ngành công nghiệp cần đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong phát triển công nghiệp. Thực tế, có khoảng 60% sáng kiến chuyển đổi công nghiệp thành công là kết quả của sự hợp tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong và ngoài nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!