Theo báo cáo mới nhất từ Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, từ năm 2021 cho đến nay, thành phố chỉ có 10 dự án nhà ở xã hội, trong đó 6 dự án đã hoàn thành, 4 dự án đang triển khai thi công với tổng số căn nhà gần 6.000 căn. Đây là kết quả khiêm tốn và đặt ra nhiều thách thức để thành phố thực hiện được chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đã đề ra. Trong đó, một nút thắt lớn mà thành phố đang tìm mọi giải pháp để tháo gỡ chính là rút gọn thủ tục cấp phép xây dựng cho loại hình nhà ở này.
Thông tin từ Sở xây dựng TP Hồ Chí Minh, hiện Sở đang đề xuất thành lập một tổ công tác liên ngành để giải quyết nhanh gọn 3 khâu quan trọng nhất của quy trình cấp phép xây dựng đó là chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt 1/500 và quyết định giao đất...
Ông Phạm Đăng Hồ - Trưởng phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho hay: "Làm sao để các sở ngành khi thực hiện thẩm định các nội dung tránh việc thẩm định nhiều lần, chồng chéo và sẽ giúp rút ngắn được thời gian. Tổ công tác này hoạt động trước hết đối với nhà ở xã hội và sau đó sẽ mở rộng ra đối với nhà ở thương mại".
Từ năm 2021 cho đến nay, TP Hồ Chí Minh chỉ có 10 dự án nhà ở xã hội, trong đó 6 dự án đã hoàn thành, 4 dự án đang triển khai thi công với tổng số căn nhà gần 6.000 căn. Ảnh minh họa.
Với các giải pháp mới, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ cố gắng rút ngắn thủ tục đầu tư cho một dự án nhà ở xã hội xuống 18 tháng, thay vì 3 - 4 năm như hiện nay. Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, để giảm thời gian thực hiện thủ tục đầu tư như cam kết thì cần có sự phối hợp, chung tay giữa các Sở, ngành, quận, huyện trong quá trình thực hiện hồ sơ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết: "Để thực hiện quyết tâm này của thành phố thì trước hết các sở ngành, các quận huyện và TP Thủ đức, phải làm đúng vai, tròn vai của mình trong trách nhiệm phê duyệt nhà ở xã hội".
Mới đây, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng đã công bố danh mục 7 dự án nhà ở xã hội mời gọi đầu tư với khoảng 8.000 căn hộ và sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Cách làm này được đánh giá sẽ hiệu quả, bởi hợp tác công tư đã được chứng minh là mô hình khả thi tại nhiều quốc gia để phát triển nhà ở xã hội.
"Trong quan hệ đối tác này, khu vực tư nhân đem lại kiến thức và kinh nghiệm thị trường, năng lực kỹ thuật và các nguồn lực tài chính. Trong khi đó, Chính phủ đóng vai trò "bà đỡ" thông qua việc tạo ra các hành lang pháp lý, cung cấp các cơ chế chính sách ưu đãi về tài chính và thuế và tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích các chủ đầu tư và đẩy nhanh quá trình xây dựng nhà ở xã hội", ppng David Jackson - Tổng giám đốc Avision Young Việt Nam đánh giá.
Ngoài ra, hiện tại TP Hồ Chí Minh cũng đã có 21 doanh nghiệp tư nhân đăng ký thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại quỹ đất do doanh nghiệp tự tạo lập với khoảng 52.000 căn hộ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!