Trái đắng đầu tư

Nhóm PV Chuyển động 24h-Thứ hai, ngày 06/11/2023 16:14 GMT+7

VTV.vn - Với các dự án có lãi suất cao gấp 5 - 10 lần lãi tiền gửi ngân hàng cùng nhiều lời cam kết chắc thắng, những nhà đầu tư ôm mộng làm giàu để rồi vỡ mộng với trái đắng.

Lời mời gọi "trúng lớn" từ dự án huy động vốn "vua rau má"  

Việc huy động vốn của doanh nghiệp cho đầu tư và sản xuất đã và đang được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, huy động bằng cách nào, vào mục đích gì và đảm bảo các cam kết với nhà đầu tư ra sao lại là câu chuyện mà mỗi nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ và cẩn trọng. Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã đứng ra huy động vốn với lãi suất cao gấp 5 - 10 lần mức lãi tiền gửi thông thường của các ngân hàng. Dĩ nhiên đó là một mức lời quá hấp dẫn, chưa kể kèm theo đó là nhiều lời cam kết chắc thắng về các dự án trong mơ.

Từ những buổi thuyết trình kêu gọi vốn đầu tư của người đứng đầu công ty rồi hào nhoáng khai trương hệ thống phân phối sản phẩm, hoành tráng hơn nữa là lễ động thổ dự án "vua rau má", uy tín được dựng xây và niềm tin của nhà đầu tư càng được củng cố khi chủ tịch hội đồng quản trị công ty "đánh" thẳng vào túi tiền.

Trái đắng đầu tư - Ảnh 1.
Trái đắng đầu tư - Ảnh 2.

Không làm mà vẫn có ăn, nhà đầu tư có ngay mỗi tháng 100 triệu đồng - sự cam kết bắt tai này khiến nhiều người dễ mủi lòng. Hợp đồng hợp tác cứ thế tăng dần. Chỉ hơn 1 năm, số tiền công ty huy động được của các nhà đầu tư cá nhân đã lên đến vài trăm tỉ đồng.

Câu chuyện hàng trăm nhà đầu tư không nhận được cả gốc lẫn lãi từ doanh nghiệp trong suốt 6 tháng nay như lời hứa hẹn ban đầu cũng đã từng được phản ánh trong các bản tin của Chuyển động 24h. Các nhà đầu tư từ các tỉnh, thành khác nhau cùng lên trụ sở Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại CCV Group ở Hà Nội để đòi quyền lợi. Đều đặn hàng tuần, họ lại đến đây để mong đòi lại được khoản tiền mà mình đã đóng. Để xoa dịu tình hình, doanh nghiệp cũng đã đưa ra các giải pháp như: sẽ trả đất thay vì trả tiền mặt, hoặc gợi ý cho các nhà đầu tư đổ tiền vào những mã chứng khoán mà theo họ sẽ cầm chắc phần thắng.

Doanh nghiệp tung chiêu "mèo vờn chuột"

Đại diện pháp nhân được công ty ủy quyền giải quyết quyền lợi cho các nhà đầu tư. Sự xuất hiện như chiếc phao giữa dòng người đuối nước. Nhưng thay vì đối thoại với nhà đầu tư thì người đại diện này thẳng thừng từ chối giải quyết quyền lợi cho nhà đầu tư.

Được ủy quyền nên quyền tiếp nhà đầu tư nào là do người này quyết định. Ưu tiên nhà đầu tư mủi lòng, bởi dễ biến họ thành liều thuốc an thần cho những nhà đầu tư thứ cấp.

Trái đắng đầu tư - Ảnh 3.
Trái đắng đầu tư - Ảnh 4.

Người đứng đầu công ty CCV Group không có mặt ở đây đã lâu, thay vào đó là một đơn vị thứ ba được ủy quyền xử lý nợ. Họ đề xuất trả nợ bằng bất động sản cho các nhà đầu tư thay vì tiền. Tuy nhiên, nhiều tháng nay, qua bao cuộc hẹn, việc giao đất vẫn tiếp tục bị trì hoãn.

Trái đắng đầu tư - Ảnh 5.
Trái đắng đầu tư - Ảnh 6.

Sự bức xúc của nhà đầu tư nhanh chóng bị dập tắt bởi mật ngọt lại rót vào tai với những mã chứng khoán đầy hứa hẹn… Chỉ những người hôm nay mới may mắn được hay, ai nhanh tay vào tiền sẽ phất lên tích tắc. Cuộc vui lại bắt đầu. Lúc này, không mấy nhà đầu tư nhận ra "gà" từ chuồng này đang được "lùa" sang chuồng khác.

Doanh nghiệp thông báo tái cơ cấu nhằm khắc phục khó khăn

Theo các chuyên gia kinh tế, khi dòng tiền bị cạn hoặc vướng nút thắt thì việc doanh nghiệp công bố gặp khó để xin trì hoãn trả tiền cho các nhà đầu tư là một phương án khá phổ biến. Trong trường hợp trên cũng vậy, doanh nghiệp đã thông báo tái cơ cấu lại toàn bộ doanh nghiệp. Dĩ nhiên, mong muốn các nhà đầu tư kiên nhẫn với khó khăn hiện tại của doanh nghiệp.

Trái đắng đầu tư - Ảnh 7.

Thay thế cho vùng trồng tại tỉnh Vĩnh Long, doanh nghiệp đã chuyển địa điểm về quê hương của vị chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty ở tỉnh Thanh Hóa để tiếp tục trồng rau má. Công ty cho biết sẽ cố gắng phát triển dự án tại huyện Nga Sơn và sẽ làm việc với bên thứ ba để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Theo công ty, quá trình tái cơ cấu bước đầu đạt được kết quả tích cực như sản xuất kinh doanh đi vào ổn định, tài sản và lợi nhuận cho các nhà đầu tư đã đảm bảo được một phần, công ty đã cung cấp ra thị trường một lượng lớn sản phẩm có chất lượng cao. Tuy nhiên, theo những hình ảnh mà doanh nghiệp cung cấp cho phóng viên, mọi việc mới chỉ dừng lại ở bước múc đất và phát quang cỏ dại.

Nhà đầu tư bị kiện ngược: Từ chủ nợ bỗng hóa con nợ

"CCV vẫn đang cố gắng nỗ lực đưa ra phương pháp giải quyết vướng mắc liên quan đến hợp đồng đầu tư với các nhà đầu tư một cách nhanh chóng" là lời cam kết của công ty sau những sóng gió xảy ra với nhà đầu tư khi khoản tiền họ góp vốn có khả năng khó đòi. Mọi chuyện có được giải quyết triệt để. Tiền của nhà đầu tư có được trả về như lời cam kết của lãnh đạo hay không thì tương lai mới rõ. Tuy nhiên, quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư lúc này đã trở nên khó hàn gắn khi nhiều nhà đầu tư của công ty này lại đang bị doanh nghiệp kiện ngược. Trái đắng đầu tư thực sự đã đến.

Mỗi tuần một lần, các nhà đầu tư có mặt bên ngoài văn phòng công ty để đòi quyền lợi. Ngay lập tức, họ nhận được sự phản đòn từ nhóm người lạ mặt cùng hô khẩu hiệu và giăng biểu ngữ: "Bảo vệ công ty/Bảo vệ người đứng đầu doanh nghiệp", kèm theo đó là lời bôi nhọ nhà đầu tư. Trong phút chốc, nhà đầu tư từ vai chủ nợ bỗng hóa thành con nợ.

Trái đắng đầu tư - Ảnh 8.
Trái đắng đầu tư - Ảnh 9.
Trái đắng đầu tư - Ảnh 10.

Không chỉ bị vu là con nợ, các nhà đầu tư còn bị đòi lại khoản tiền được hưởng từ việc kinh doanh. Dù trước đó, người đứng đầu công ty đã dõng dạc khẳng định: "Kết nối nhà đầu tư với mức hoa hồng kết nối là 5%...". Điều này đồng nghĩa, nếu có thêm 1 hợp đồng mới cho công ty, người kết nối hay còn gọi là môi giới sẽ được được hưởng ít nhất 5% giá trị của hợp đồng. Cùng với đó, nhiều quyền lợi khác cũng được đi kèm. Lời nói thì có thể gió bay nhưng cam kết giấy trắng mực đen thì khó chối cãi. Biết là vậy, nhưng công ty vẫn quyết tâm kiện ngược nhà đầu tư ra tòa.

Khi bị kiện, các nhà đầu tư mới chợt nhận ra còn nhiều điều bất thường ở công ty nơi mình đầu tư.

Trái đắng đầu tư - Ảnh 11.
Trái đắng đầu tư - Ảnh 12.

Chiếm đoạt hay không thì còn cần cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra làm rõ. Nhưng điều có thể rõ nhất lúc này là những người trưởng nhóm đầu tư. Khi không được doanh nghiệp đồng hành thì họ phải nai lưng gánh các nhà đầu tư thứ cấp. Chỉ riêng một nhóm đầu tư, số tiền đã lên đến hơn 300 tỉ đồng.

Trước thực tế tiền góp vốn kinh doanh cho doanh nghiệp đã hết kỳ hạn nhưng chưa được hoàn trả, nhiều nhà đầu tư đã gửi đơn tố cáo công ty có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản lên cơ quan điều tra. Kết quả sẽ được Chuyển động 24h cập nhật.

Việc tin vào những lời hứa hẹn lãi suất cao mà không cần biết tình hình hoạt động kinh doanh, làm ăn của doanh nghiệp thế nào cũng đã được cảnh báo nhiều lần. Nhưng một lần nữa qua câu chuyện này, ê-kíp thực hiện của Chuyển động 24h muốn khuyến cáo các nhà đầu tư dù đổ tiền vào dự án nào cũng cần tỉnh táo và có sự tìm hiểu kỹ lưỡng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước