Hình ảnh cánh tài xế dùng giá đỗ để trả giá BOT được báo Nông thôn Ngày nay bình luận: "Có lẽ chỉ xuất hiện tại Việt Nam". Tờ báo này cũng nhận định, những phản ứng tiêu cực bằng cách trả giá đỗ mà giới tài xế dùng để ứng phó với việc thu giá đương nhiên là chuyện không nên nhưng có lẽ cũng là vấn đề cần được cơ quan chức năng nhìn nhận về việc cách gọi nào mới hợp lý: thu phí hay thu giá?
Báo Người Lao động trích đăng ý kiến của TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, chúng ta có thể thu phí, thu thuế, thu nợ, thu ngân… nhưng không thể thu giá. Bởi giá chỉ là biểu hiện bằng tiền trị giá của sản phẩm.
Trao đổi trên báo Tuổi trẻ, ông Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND tối cao cho rằng, hiểu đơn giản là nhà đầu tư làm đường dự án BOT, xe muốn đi vào đó để hưởng đường tốt thì phải trả tiền, tức là thu phí sử dụng đường BOT. Vậy phí mới là đối tượng chứ giá không phải là đối tượng thu.
Còn trên báo Giao thông, cơ quan chức năng nói gì về việc chuyển phí thành giá BOT?
Theo đại diện của Vụ chính sách thuế Bộ Tài chính, việc gọi tên trạm thu giá là không sai. Đối với các dự án BOT, BT giao thông cơ bản được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, theo hình thức xã hội hóa nên phí sử dụng đường bộ được chuyển đổi thành giá sử dụng đường bộ.
Đồng quan điểm, đại diện phòng pháp chế VCCI phân tích: "Phí là khoản tiền trả cho dịch vụ công, trước kia, Nhà nước đầu tư đường xá và thu tiền hoàn vốn nên gọi là phí sử dụng đường bộ. Thế nhưng, BOT là đường do doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng, không còn là dịch vụ công nữa nên gọi là giá dịch vụ sử dụng đường bộ, giống như giá dịch vụ vận tải, giá dịch vụ du lịch vậy".
Báo Tuổi trẻ ghi nhận trong chiều 23/5, đại diện Bộ GTVT cho rằng, tên đầy đủ là "Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ". Tuy nhiên, thực tế các đơn vị khai thác, vận hành trạm đã ghi không đầy đủ mà chỉ viết tắt là "Trạm thu giá" nên khiến người dân khó hiểu. Tuy nhiên, trên góc độ lắng nghe dư luận về cụm từ trạm thu giá là tối nghĩa, lãnh đạo Bộ GTVT sẽ cho rà soát lại, tiếp thu ý kiến đóng góp của chuyên gia ngôn ngữ học, nếu điều gì bất hợp lý sẽ chỉnh sửa.
Trong khi chưa có khái niệm nào thật sự ngã ngũ, ý kiến người dân khi được phỏng vấn thực chất lại rất đơn giản. Thu phí hay thu giá BOT không quan trọng, quan trọng là con đường BOT nào thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho đất nước và thuận tiện cho người dân.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!