Trong đó, việc tranh chấp quyền sổ hữu và quản lý khu vực chung - riêng, cụ thể là hầm để xe ô tô là một trong những lý do chính. Theo các cơ quan chức năng, quy định trong các văn bản luật hiện nay đã khá rõ ràng, đủ căn cứ pháp lý để phân định, xử lý các trường hợp tranh chấp này. Điều quan trọng nhất là phía chủ đầu tư, cư dân và ban quản trị phải ngồi lại làm rõ với nhau.
Vừa qua, đại diện Ban Quản trị của 4 tòa nhà khu Ruby tại một khu đô thị ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ chứng minh quyền sở hữu, quản lý, sử dụng hầm để xe ô tô, để giải quyết dứt điểm các bất đồng, vướng mắc giữa hai bên. Theo dõi cuộc tranh luận này, nhiều cư dân cho biết, điều họ mong muốn nhất là môi trường sống yên ổn.
Phản hồi lại các thắc mắc từ phía Ban Quản trị, chủ đầu tư cũng đưa ra các căn cứ pháp lý cụ thể để chứng minh quyền quản lý sử dụng tại phần diện tích hầm để xe ô tô.
Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đã chỉ ra 7 nhóm tranh chấp điển hình tại các tòa chung cư, điển hình như: Bị siết nợ do chủ đầu tư đem thế chấp ngân hàng, quỹ bảo trì tòa nhà bị chủ đầu tư hoặc ban quản trị chiếm dụng, trục lợi… Riêng đối với tranh chấp sở hữu tầng hầm chung cư, các luật sư cho rằng, quy định hiện nay đã rõ ràng.
Thực tế cho thấy, các tranh chấp tại chung cư ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân như xáo trộn sinh hoạt, ảnh hưởng tới tâm lý. Ngoài ra, người dân còn thiệt thòi khi giá bán căn hộ không giữ giá hoặc tăng giá tốt bằng các khu chung cư không có tranh chấp.
Theo các chuyên gia, mấu chốt của việc giải quyết mâu thuẫn, khi đã có quy định pháp lý rõ ràng là các bên phải ngồi lại thương thảo, trình bày, giải thích, hướng tới quyền lợi tốt nhất cho cư dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!