Trị bệnh "tắc đường" nông sản

VTV Digital-Thứ năm, ngày 20/01/2022 06:38 GMT+7

VTV.vn - Hơn 1 tháng nay, tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn chưa hạ nhiệt. Hàng nghìn xe xuất khẩu nông sản vẫn đang chờ thông quan.

Cách đây 1 ngày, Bộ Công Thương công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhằm khẩn trương triển khai các giải pháp giải tỏa ùn tắc hàng hóa, phương tiện tại các cửa khẩu. Theo đó, Bộ đã chỉ ra một trong những nguyên nhân gây ùn tắc là do việc bao gói, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức nên khó xuất khẩu chính ngạch và chủ yếu sử dụng hình thức trao đổi cư dân biên giới nhiều rủi ro. 

Để thay đổi thực tế này, đã có những doanh nghiệp cũng đang bước đi khá vững chắc đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.

Vườn sầu riêng 2,5 hecta đến ngày thu hoạch, trước khi vào vườn, nhân công đeo khẩu trang, khử khuẩn, đo thân nhiệt, khai báo y tế và đeo ủng, găng tay. Các dụng cụ khác như giỏ đựng, xe đẩy, xe chở sầu riêng cũng được khử khuẩn toàn bộ. Đây là những qui định bắt buộc mà doanh nghiệp phải làm để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Nhằm đảm bảo sản phẩm được canh tác, thu hoạch theo chuỗi an toàn, chất lượng.

"Chất lượng sản phẩm là ăn ngon, mẫu mã đẹp và thứ 2 là an toàn cho sức khỏe. Nếu chúng ta đáp ứng 2 mong muốn này của người tiêu dùng thì Trung Quốc là thị trường mang lại hiệu quả rất lớn cho nông dân và doanh nghiệp trong thời gian tới", bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết.

Ngoài ra doanh nghiệp Việt cần thực hiện nghiêm các qui định về truy xuất nguồn gốc, từ mã số vùng trồng đến mã số cơ sở đóng gói.

Trị bệnh tắc đường nông sản - Ảnh 1.

Trong bối cảnh cửa khẩu ùn tắc, nhiều doanh nghiệp đã có những bước đi khá vững chắc đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch (Ảnh minh hoạ)

Trong khi đó, mỗi ngày nhà máy Doveco Ninh Bình hiện đang nhập khoảng 100 tấn xoài về chế biến. Điều đáng nói đây là những lô xoài đã nằm trên cửa khẩu hàng chục ngày qua để chờ xuất sang Trung Quốc nhưng cuối cùng lại phải quay đầu. Tại đây, xoài được đông lạnh, đóng gói để rồi 1 lần nữa lại lên đường xuất khẩu sang Trung Quốc.

"Lượng xoài về đây hàng ngày hàng trăm tấn nhưng với công suất của nhà máy và hợp đồng chúng tôi hoàn toàn đáp ứng được và có thể hơn thế cũng không vấn đề gì", ông Đinh Anh Đức - Giám đốc nhà máy chế biến Doveco Ninh Bình cho biết.

Như vậy, theo các doanh nghiệp, ngoài việc chuẩn hoá chất lượng các vùng nguyên liệu thì việc tập trung chế biến loại quả như chanh leo, xoài, sầu riêng để xuất khẩu vào Trung Quốc là bền vững, và không lo ùn ứ.

Những trung tâm trung chuyển hàng hoá lớn

Theo thống kê 70% hàng hoá của Việt nam xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường bộ, qua các 10 cửa khẩu các tỉnh phía Bắc là Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng và Quảng Ninh. Mỗi năm hàng triệu tấn nông sản được thông quan qua các cửa khẩu trên, nhưng gần như vắng bóng các trung tâm trung chuyển hàng hoá có quy mô lớn tại đây. 

Theo các chuyên gia, đây là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng ùn ứ nông sản trong thời gian qua. Muốn giải quyết tận gốc rễ vấn đề này thì cần phải hình thành hệ thống các trung tâm trung chuyển, bảo quản nông sản ngay tại các cửa khẩu.

Trị bệnh tắc đường nông sản - Ảnh 2.

Những trung tâm trung chuyển hàng hoá lớn được xem là một trong những giải pháp tháo gỡ tình trạng ùn tắc nông sản tại cửa khẩu (Ảnh minh hoạ)

Khẩn trương san lấp, giải phóng mặt bằng, tỉnh Lạng Sơn đang gấp rút xây dựng một trung tâm chung chuyển bảo quản hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung tâm này cách cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị 3km, dự kiến khi hoàn thành giai đoạn 1 sẽ tiếp nhận từ 900 đến 1.500 xe ra vào một ngày, xếp cho 3.000-5.000 xe container/ngày đêm.

"Hiện nay chúng tôi đang tập trung đẩy nhanh tiến độ khu trung chuyển hàng hoá với quy mô diện tích trên 143 ha, và tổng số vốn dự kiến 3.300 tỷ đồng. Khu trung chuyển này sẽ hỗ trợ lớn cho việc điều tiết, phân luồng phương tiện xuất nhập khẩu, cũng như là lưu giữ bảo quản, đóng gói hàng hoá. Đồng thời góp phần tích cực để chuyển đổi hình thức xuất khẩu nông sản hoa quả của Việt Nam sang Trung Quốc theo hình thức chính ngạch", bà Đoàn Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Lạng Sơn cho biết.

Còn Thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), riêng tại Lối mở Km3+4 Hải Yên, dự kiến 5 năm tới, lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 500 container/ngày tăng 4,2 lần so năm qua. Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu nông sản trên, một dự án trung tâm giao dịch, nơi lư trữ, bảo quản hàng hoá trước khi thông quan đã được doanh nghiệp đề xuất lên.

"Quy mô dự án trên diện tích dự kiến trên 90ha, giai đoạn 1 với tổng số vốn khoảng 1.300 tỷ đồng", Phó Giám đốc - CTCP Thành Đạt Lương Xuân Đào cho biết.

Vừa qua, trong nhiều văn bản của mình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị, đề xuất, về lâu dài, các tỉnh biên giới cần quy hoạch các khu vực xây dựng các kho chuyên dụng bảo quản hàng nông sản, hoa quả tại các cửa khẩu.

Mặc dù ảnh hướng bởi dịch COVID-19, năm qua Trung Quốc vẫn dẫn đầu các quốc gia xuất rau quả của Việt Nam, đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1,75 tỷ USD. Vì thế việc chọn con đường xuất khẩu bền vững sang thị trường này là xu hướng tất yếu của nhiều vùng nguyên liệu và doanh nghiệp trong thời gian tới đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước