Mới đây, các sở ngành của TP Hồ Chí Minh đã đề xuất UBND thành phố bố trí gói an sinh xã hội lần thứ hai với ước tính hơn 1.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận với các gói hỗ trợ cũ còn thấp một phần là do đặt ra nhiều điều kiện khắt khe đối với nhiều nhóm ngành khác nhau. Do đó, Hiệp hội đề xuất đối với một số nhóm ngành quan trọng, mũi nhọn, cần có các gói hỗ trợ được thiết kế riêng.
"Nếu chúng ta đưa được cho từng ngành nghề thì điều kiện sẽ phù hợp hơn, sự hấp thụ cũng tốt hơn", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh Chu Tiến Dũng cho biết.
Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận với các gói hỗ trợ cũ còn thấp. (Ảnh minh họa: PLO)
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành lại cho rằng, để nâng hiệu quả gói hỗ trợ cần chú trọng thay đổi cách thực thi chính sách. Bối cảnh dịch vô hình trung đã thúc đẩy việc chuyển đổi số, cơ quan thực thi cần đẩy mạnh áp dụng.
"Năm ngoái khi chi tiền cho những người lao động, chúng ta giao bằng tiền mặt, giao cho địa phương. Nếu nhìn vào kinh nghiệm quốc tế cũng như năng lực thanh toán điện tử của Việt Nam hiện nay thì có thể chi qua thanh toán điện tử", ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, chia sẻ.
"Bởi vì nguồn lực của chúng ta có hạn, nên chúng ta phải biết đầu tư nguồn lực vào một xung lực nào để nó tạo ra sự lan tỏa, phát triển cho nền kinh tế", GS. TS. Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhận định.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, một bộ phận doanh nghiệp cũng nên thay đổi cách nhìn nhận, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo để tự cứu mình trước trong cơn bão suy thoái vì đại dịch trước khi trông chờ vào một gói hỗ trợ nào đó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!