Triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%: Nghịch lý vướng mắc vì hậu kiểm

Hoa Trà-Thứ sáu, ngày 26/08/2022 13:43 GMT+7

VTV.vn - Theo nhiều ngân hàng, quy định kiểm toán các khoản vay được hỗ trợ theo gói hỗ trợ lãi suất 2% khiến nhiều người vay ngần ngại, còn ngân hàng cũng khó giải ngân.

Quy định về kiểm toán các khoản vay được hỗ trợ theo gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước là chủ trương đúng đắn, nhằm đảm bảo tính minh bạch, tránh trục lợi chính sách. Tuy nhiên thực tế triển khai, nhiều ngân hàng cho biết chính quy định này lại khiến nhiều người vay ngần ngại, còn ngân hàng cũng khó giải ngân.

Triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%: Nghịch lý vướng mắc vì hậu kiểm - Ảnh 1.

Hiện dư nợ được hỗ trợ lãi suất theo gói 2% vào khoảng 4.300 tỷ đồng. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

Với hơn 70% dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khách hàng vay chủ yếu là cá nhân, hộ gia đình ở nông thôn, thường không sử dụng hóa đơn chứng từ khi mua vật tư nông nghiệp, mà chủ yếu tự kê khai, nên sẽ rất khó khăn khi hậu kiểm.

"Khoảng 2 năm sau mới thực hiện kiểm toán hỗ trợ lãi suất, lúc đấy con gà, con bò không còn nữa, không còn gì để đối chiếu, chỉ còn bảng kê. Như cán bộ tín dụng chúng tôi đi kiểm tra, ngoài giấy tờ, còn đối tượng hình thành vốn vay để kiểm tra, khẳng định đúng mục đích, không có gì chứng minh được với cơ quan kiểm toán sau này, cái này là cái vướng nhất", ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Agribank, cho biết.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng nhìn nhận, các hộ kinh doanh hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không có bộ máy kế toán chuyên nghiệp, nên khá e ngại với việc kiểm tra, kiểm toán các khoản vay.

"Kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, nhiều khi họ đóng thuế cố định 1 tháng bao nhiêu, sau này lại bắt người ta lục sổ kiểm tra, hậu kiểm. Nhà nước kiểm tra ông cho vay chứ không kiểm tra ông vay, nhưng kiểm tra ông cho vay thì phải động đến ông được vay dẫn đến việc phải giải trình, lúc đấy giải trình làm sao được", ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nói.

Để gỡ vướng, nhiều ý kiến đề xuất cần có hướng dẫn rõ ràng hơn về hậu kiểm. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng kiến nghị cần nới điều kiện hỗ trợ, vì hiện quy định doanh nghiệp muốn giảm lãi suất phải kinh doanh tốt, có khả năng phục hồi, không có nợ quá hạn. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, nếu hạ chuẩn tín dụng sẽ tiềm ẩn rủi ro nợ xấu.

"Nếu hạ chuẩn xảy ra, thì lập tức sẽ có nhiều rủi ro về việc không thể trả nợ vay, lãi vay cho ngân hàng. Sau này, các ngân hàng thương mại sẽ là người gánh chịu rủi ro", PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, đánh giá.

Hiện dư nợ được hỗ trợ lãi suất theo gói 2% vào khoảng 4.300 tỷ đồng. Nhiều hồ sơ cũng đang chờ hoàn thiện thủ tục. Các ngân hàng thương mại dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng này sẽ vào khoảng 13,5 tỷ.

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan rà soát lại các quy định để kịp thời diều chỉnh, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung cho phù hợp. Sáng nay (26/8), Ngân hàng Nhà nước sẽ có cuộc họp trực tuyến để giải đáp các vướng mắc.

Vì sao chậm giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%? Vì sao chậm giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%?

VTV.vn - Sau 3 tháng triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, dù NHNN và các cơ quan liên quan đã rất cố gắng, nhưng kết quả là ít doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay này.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước