Đoán già đoán non về mức cắt giảm lãi suất của Fed
Sáng nay, giá vàng thế giới tiếp đà tăng với vàng giao ngay tăng 19,4 USD lên 2.577,7 USD/ounce.
Hợp đồng tương lai gắn với lãi suất chính sách của Fed hiện phản ánh khoảng 47% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất chính sách của mình xuống một nửa điểm phần trăm, tăng từ mức 28% so với mức dưa ra vào ngày 10/9 - sau các báo cáo truyền thông cho rằng có thể sẽ rất khó khăn giữa việc cắt giảm lãi suất một nửa điểm và một phần tư điểm.
Thực tế cho thấy, sự kỳ vọng ngày càng tăng về việc cắt giảm mạnh hơn, sâu hơn đã thúc đẩy giá cổ phiếu, vàng và trái phiếu kho bạc. Nhưng cũng đồng thời làm giảm giá đồng USD.
Cả ba chỉ số chính của Hoa Kỳ đều đóng cửa cao hơn. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 0,72%, S&P 500 tăng 0,54% và Nasdaq Composite tăng vọt 0,65%. Chỉ số MSCI về cổ phiếu trên toàn cầu tăng 0,61%.
Đáng chú ý, kỳ vọng về một đợt cắt giảm lớn hơn càng được thúc đẩy khi cựu Chủ tịch Fed New York phát biểu tại một diễn đàn ở Singapore và trong đó có lý do mạnh mẽ cho mức cắt giảm 50.
Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng 2.000 đơn lên 230.000 đơn (đã được điều chỉnh theo mùa). Bên cạnh đó, giá sản xuất của Mỹ tăng nhiều hơn một chút so với dự đoán trong tháng Tám do giá dịch vụ tăng, nhưng số liệu vẫn cho thấy xu hướng lạm phát giảm dần. Ông Alex Ebkarian, Giám đốc điều hành của công ty Allegiance Gold, cho biết các số liệu trên đang tạo điều kiện để Fed hạ lãi suất, vì thế vàng đang trở nên hấp dẫn hơn với giới đầu tư.
Tuy nhiên, lạm phát yếu và các dữ liệu kinh tế khác vào đầu tuần qua cũng cho thấy, Fed có thể chậm rãi khi cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2020. Theo Douglas Porter, nhà kinh tế trưởng của BMO Capital Markets, đúng là nhiều chu kỳ cắt giảm lãi suất thực sự đã bắt đầu với mức cắt giảm mạnh hơn, nhưng thường là trong bối cảnh căng thẳng trên thị trường tài chính - khi S&P 500 chỉ giảm 1% so với mức đỉnh điểm và giá trị tài sản ròng của hộ gia đình Hoa Kỳ đạt mức cao kỷ lục, thật khó để chỉ ra căng thẳng tài chính.
Tại Châu Á, cổ phiếu ở Trung Quốc đại lục và Nhật Bản đều đóng cửa ở mức thấp hơn, với chỉ số Shanghai Composite giảm 0,48% và Nikkei giảm 0,68%, mặc dù vẫn tăng trong tuần.
Nhìn lại quá khứ cho thấy, trong hơn 2 năm qua, Fed chủ yếu điều chỉnh lãi suất tăng 25 - 50 điểm cơ bản, ngoài 4 đợt tăng 75 điểm cơ bản liên tiếp vào năm 2022. Để ứng phó với lạm phát tăng vọt, Fed duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và giữ nguyên lãi suất cơ bản ở ngưỡng 5,25 - 5,5% kể từ tháng 7/2023.
USD trên đà rớt giá?
Các nhà đầu tư chuẩn bị cho việc Fed cắt giảm lãi suất tiếp tục đẩy đồng USD xuống, giảm tới 1,0% xuống 140,36 yên, mức yếu nhất kể từ ngày 28/12/2023. Lần gần nhất, đồng USD giảm 0,68% xuống 140,83.
Chỉ số USD, thước đo đồng tiền này so với đồng yên và năm đối thủ lớn khác, đã giảm xuống mức thấp nhất trong một tuần là 101,00. Lần gần nhất, chỉ số này giảm 0,05% xuống còn 101,11.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ cùng với cuộc bầu cử Tổng thống đang diễn ra gay cấn tại Mỹ, việc vàng cán mốc 3.000 USD/ounce chỉ là vấn đề thời gian.
Trái phiếu kho bạc chuẩn kỳ hạn 10 năm tăng giá, đẩy lợi suất giảm 2,1 điểm cơ bản xuống 3,65886%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm, bám sát kỳ vọng về lãi suất, giảm 5,9 điểm cơ bản xuống 3,5803%.
Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Jim Wyckoff của Kitco Metals cho rằng, thị trường vàng đang có chiều hướng tăng khi Ngân hàng Trung ương châu Âu hạ lãi suất trong tuần này, Fed có khả năng sẽ hạ lãi suất vào tuần tới và lạm phát “hạ nhiệt”.
Trái ngược lại với USD, giá vàng đang hướng đến mức tăng hàng tuần mạnh nhất kể từ giữa tháng 8, tăng 0,9% lên 2.581,70 USD một ounce, nhờ đồng USD suy yếu và khả năng cắt giảm lãi suất của Fed sẽ xảy ra vào ngày 19/9 tới đây.
Soi biến động thị trường trong quá khứ và gần đây, nhiều nhà phân tích nhận định, vàng có vẻ hưởng lợi nhiều hơn chứng khoán khi Fed giảm lãi suất. Theo ông Ricardo Evangelista, nhà phân tích cấp cao tại công ty môi giới ngoại hối ActivTrades (Vương quốc Anh), giá vàng sẽ áp sát mốc 3.000 USD/ounce trước khi kết thúc năm nay, chủ yếu do Fed giữ quan điểm chính sách tiền tệ ôn hòa, trong khi nhà đầu tư có xu hướng tìm đến tài sản trú ẩn an toàn, còn các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục mua vàng.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 3,7% lên 29,76 USD/ounce, còn giá bạch kim tăng 3% lên 979,62 USD/ounce.
Trong khi đó, dầu thô lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch muộn khi sản xuất tại Hoa Kỳ khởi động lại sau cơn bão Francine. Dầu thô Hoa Kỳ tăng 0,29% lên 69,17 USD một thùng và dầu Brent tăng 0,13% lên 72,06 USD một thùng.
Nhà đầu tư "để mắt" đến cơ hội ở một số thị trường châu Á
Nhiều chuyên gia dự đoán, giống như trước đây, khi Hoa Kỳ hạ lãi suất khi nền kinh tế không suy thoái có thể thúc đẩy một số thị trường châu Á.
Đặc biệt, việc cắt giảm lãi suất của Fed có thể ảnh hưởng đến xu hướng phân bổ lại dòng vốn đầu tư trên thị trường toàn cầu. Hạ lãi suất không đi kèm suy thoái kinh tế Mỹ sẽ tác động tích cực lên các thị trường này, trong đó có Việt Nam.
Trao đổi với báo giới, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, nếu Fed giảm lãi suất, dòng tiền có khả năng sẽ đảo chiều và tái phân bổ tới thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là tin tốt cho thị trường tài chính và tin tốt cho doanh nghiệp, người dân có thể tiếp cận vốn tín dụng với chi phí vốn thấp....
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!