Triển vọng kinh tế toàn cầu và sức bật của thị trường chứng khoán

P.V-Thứ tư, ngày 09/08/2023 10:31 GMT+7

VTV.vn - Các định chế tài chính quốc tế như World Bank hay IMF… đều đã nâng triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023.

Trong khi đó, các nền kinh tế đầu tàu thế giới như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản hay Trung Quốc cũng đã phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn dự kiến… Còn ở trong nước, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế cũng đang được thúc đẩy, thị trường chứng khoán cũng đã tăng mạnh vượt ngưỡng 1.200 điểm, thanh khoản có lúc lên mức tỷ USD/phiên…

Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, các chuyên gia đánh giá, với những yếu tố tích cực dần lên từ nền kinh tế toàn cầu, cùng những giải pháp hỗ trợ nền kinh tế ở trong nước thì thị trường chứng khoán cũng sẽ có sức bật tốt hơn trong lần phục hồi này.

Triển vọng kinh tế toàn cầu và sức bật của thị trường chứng khoán - Ảnh 1.

BTV Mùi Khánh Ly: Như các ông cũng đã thấy nhiều tổ chức quốc tế đã nâng triển vọng kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế lớn thay vì lo ngại như hồi đầu năm. Các ông đánh giá như thế nào về điều này?

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC): Trong thời gian vừa rồi, ngay sau khi các quốc gia lớn trên thế giới công bố số liệu GDP quý II tốt hơn so với kỳ vọng, đặc biệt là Hoa Kỳ với mức 2,4%. Còn ở Châu Âu, giới đầu tư kỳ vọng tăng trưởng âm nhưng mức công bố ra lại là tăng trưởng dương nhẹ. Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản cũng tăng trưởng cao hơn so với kỳ vọng trong quý II. Sau những kết quả trên, loạt các tổ chức quốc tế như World Bank, IMF hay OECD đều đồng loạt tăng mức dự báo GDP của toàn cầu từ 0,1% cho đến 0,4% và 0,5%, tôi đánh giá là mức điều chỉnh khá cao. Điều này cho chúng ta thấy một tín hiệu rằng các tổ chức quốc tế đã nhận ra rằng mức độ suy giảm kinh tế không quá nặng nề như dự báo và sự phục hồi của những nền kinh tế lớn đang tốt hơn so với dự kiến.

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol, Anh: Như chúng ta cũng đã thấy, các tổ chức đang dần lạc quan hơn về kinh tế toàn cầu. Đặc biệt là ở các nền kinh tế đầu tàu. Đơn cử như là Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh 2,4% so với mục tiêu 2% trong quý II/2023. Thứ hai là Châu Âu, tăng trưởng ở mức 0,3%, mức này tuy không quá lớn song như vậy họ đã thoát khỏi hai quý tăng trưởng âm. Nhưng có thể nói, sự bất ngờ nhất của năm nay không phải đến từ Mỹ hay là châu Âu mà là Nhật Bản. Nhật Bản tăng trưởng 1,4% so với mức tăng trưởng 1% của năm ngoái, đây là mức tương đối gây bất ngờ cho nhiều người về kinh tế Nhật Bản. Như vậy có thể nói, những yếu tố ở trên đã khiến cho các bên lạc quan hơn với kinh tế sáu tháng cuối năm.

BTV Mùi Khánh Ly: Vâng, chỉ cách đây vài tháng, nhiều người vẫn nhắc đến cụm từ "suy thoái kinh tế". Vậy đến thời điểm này, có thể coi kinh tế thế giới đã thoát đáy và đi lên chưa, thưa hai ông?

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC): Chúng tôi thấy rằng chỉ cách đây vài tháng, "suy thoái kinh tế" là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài. Còn trong thời gian gần đây, cụm từ hay được nhắc đến lại là "hạ cánh mềm". 

Với những tổ chức tài chính lớn như Goldman Sach hay Citibank, họ cũng đưa ra kịch bản là khả năng mức độ suy thoái sẽ khá nhẹ nhàng và nền kinh tế thế giới có thể sẽ hạ cánh mềm cùng nhịp với việc kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng cao hơn so với mức độ kỳ vọng. Và các tổ chức này đánh giá GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng trong khoảng 2,5% cho đến 2,6%, bất chấp khả năng tăng trưởng của Trung Quốc chưa được phục hồi mạnh mẽ như trước đây. Nhưng quý II vừa rồi Trung Quốc tăng trưởng khoảng 6,3%, tuy là mức thấp hơn so với dự kiến, nhưng là mức cao hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng trên 5% vào đầu quý I của quốc gia này. Điều này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang không được như kỳ vọng nhưng đang trên đà phục hồi tương đối tốt.

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol, Anh: Chúng ta sẽ thấy khu vực Châu Âu là rõ ràng nhất, sau hai quý họ tăng trưởng âm thì giờ họ đã tăng trưởng dương trở lại, như vậy là họ đã thoát đáy tăng trưởng, ít nhất là cho đến quý II này. Còn đầu tàu kinh tế toàn cầu là Mỹ thì từ hồi đầu năm, nhiều dự báo Mỹ sẽ rơi vào suy thoái nhưng bây giờ chúng ta thấy hầu như các tổ chức đều đánh giá rằng khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ trong năm 2023 là thấp, ít nhất là cho đến quý III chúng ta sẽ không thấy điều đó. 

Còn về phía kinh tế Trung Quốc, nếu so với mục tiêu đặt ra thì GDP của nước này đã tăng trưởng chậm lại, nhưng mức tăng trưởng quý II vừa rồi của Trung Quốc đạt trên 6%, mức này lạc quan hơn mức 5% trong quý I. Như vậy, họ cũng đang bắt đầu đi lên từ đáy, chứ không phải đi xuống. Cho nên có thể nói với quý II này, toàn bộ các nền kinh tế đang cải thiện tốt hơn.

BTV Mùi Khánh Ly: Với bối cảnh nền kinh tế thế giới như vậy thì sẽ tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam trong phần còn lại của năm 2023? Liệu có giúp kinh tế Việt Nam đẩy nhanh tăng trưởng và đạt được mục tiêu 6,5% như đã đề ra?

Triển vọng kinh tế toàn cầu và sức bật của thị trường chứng khoán - Ảnh 2.

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC): Việt Nam là một quốc gia có tỷ trọng xuất nhập khẩu trong GDP rất cao so với các quốc gia khác ở khu vực Châu Á, hay là các quốc gia mới nổi. Chính vì vậy, kinh tế của chúng ta sẽ phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế của các quốc gia bạn hàng lớn nhất của Việt Nam, trong đó bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Châu Âu. Đến thời điểm hiện tại, những dấu hiệu tương đối tốt về phục hồi kinh tế diễn ra ở các quốc ra này đã tốt hơn thì nhu cầu về đơn hàng của họ sẽ phục hồi tốt hơn. Đặc biệt, chúng tôi cũng có theo dõi một số chỉ số liên quan đến việc dự trữ đơn hàng thì thấy rằng, tồn kho ở Mỹ đang sụt giảm nhanh hơn và nếu như kinh tế của quốc gia này tăng trưởng tốt hơn vào dịp cuối năm, nhu cầu đối với các sản phẩm xuất khẩu sang họ tăng thì Việt Nam là một những đơn vị cung ứng đó, do vậy sẽ góp phần vào phục hồi kinh tế. Còn các yếu tố trong nước sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ tự tin của người tiêu dùng và mức độ đầu tư của khối nhà đầu tư trong nước, cũng như mức độ giải ngân đầu tư công. 

Đến thời điểm hiện tại, giải ngân đầu vốn tư công đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ trên 22%, 23%, mức khá tốt so với mọi năm. Đối với phần cầu tiêu dùng thì tôi nghĩ là sẽ mất thêm một chút thời gian để phục hồi do đang có tâm lý chờ đợi xem những diễn biến về kinh tế có tốt lên hay không hay là việc kiểm soát về lạm phát có thực sự tốt hay không? để từ đó họ có thể gia tăng mức độ chi tiêu. Tôi nghĩ kinh tế thế giới mà hạ cánh mềm và các quốc gia lớn họ phục hồi kinh tế, gia tăng nhu cầu nhanh thì chúng ta sẽ có một lợi thế để tăng trưởng GDP vào dịp cuối năm. Và GDP năm nay theo tôi đánh giá sẽ tương đương trung bình của giai đoạn trước đại dịch COVID-19, khoảng 5,5% - 5,6%.

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol, Anh: Với sự tăng trưởng tích cực hơn của nền kinh tế thế giới, dự báo sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt hơn.Tuy nhiên, Việt Nam chúng ta phát triển dựa vào nhiều vào hoạt động xuất khẩu và thực tế hiện nay hoạt động nhập khẩu và sản xuất hàng hóa ở các nước vẫn đang trong xu hướng đi xuống, chỉ trừ có Trung Quốc đang tăng trở lại. Như vậy, chúng ta thấy là động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam là xuất khẩu vẫn đang khó. Nhưng tôi cho rằng, thương mại toàn cầu sẽ ở trạng thái tạo đáy trong quý III và nó sẽ đi lên trong quý IV. Điều này phù hợp với yếu tố mùa vụ, tức là bất kể nền kinh tế, hay hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất hàng hóa khó khăn cỡ nào thì trước mùa đông là mùa tiêu thụ, người ta sẽ phải tăng lượng hàng tồn kho, đó là cơ hội để những ngành hàng đi xuống trước đây bắt đầu tăng trở lại. Và tôi kỳ vọng những yếu tố này sẽ hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam ở trong quý III. Thứ hai, Trung Quốc hiện nay đang cố gắng kích thích lại thị trường nhà của họ, nếu tăng trưởng thị trường nhà có thể thúc đẩy trở lại thì sẽ làm gia tăng nhu cầu đối với vật liệu xây dựng, đối với những ngành liên quan… ở Việt Nam. Theo tôi, những điều này sẽ không chỉ tác động đến Việt Nam mà còn tác động tích cực đến kinh tế thế giới.

BTV Mùi Khánh Ly: Còn đối với thị trường chứng khoán thì thường phản ánh trước nền kinh tế khi đã có sự tăng trưởng tốt cả trong nước lẫn thế giới, chỉ số VN Index cũng đã tăng được một mức khá mạnh. Với những diễn biến vĩ mô tích cực hơn như vậy, thị trường chứng khoán sẽ có sức bật mạnh tiếp trong thời gian tới không, thưa hai ông?

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC): Đúng là thị trường chứng khoán thường phản ứng nhanh nhất với tất cả những thông tin về mặt vĩ mô, về mặt thị trường và quốc tế. Và không chỉ riêng Việt Nam đâu, tôi theo dõi từ đầu năm đến nay, ở nhiều quốc gia lớn, các chỉ số chính đều tăng trưởng rất mạnh. Tăng trưởng mạnh nhất là chỉ số Nasdaq của Mỹ khoảng 36%, ở Nhật Bản thì chỉ số Nikkei 225 cũng tăng tầm 28% và ở Châu Âu, đa số các thị trường cũng tăng trên 20%. Do vậy, mức tăng trưởng của Việt Nam từ đầu năm đến nay khoảng hơn 20%-21% thì cũng là một mức tương đương với sự phục hồi chung của các thị trường. 

Trong khi đó, vào thời điểm năm ngoái, thị trường Việt Nam giảm mạnh hơn so với đa số các thị trường chứng khoán trên thế giới. Về mặt thị trường, thì thị trường chứng khoán sẽ đi trước nền kinh tế vĩ mô từ một quý cho đến ba quý cho nên chúng ta phần nào đó có thể nhìn nhận những khó khăn nhất và tạo đáy vào quý II năm nay và từ đây chúng ta sẽ có những bước phục hồi tốt hơn trong quý III, quý IV năm 2023 và đầu năm 2024. 

Tuy nhiên, diễn biến của thị trường chứng khoán thì sẽ không chỉ thể hiện ở điểm số mà còn thể hiện ở thanh khoản. Khi thanh khoản của thị trường bắt đầu tiếp cận những phiên cao của năm ngoái là trên một tỷ USD thì cũng chỉ báo cho thấy các nhà đầu tư trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu cảm thấy tự tin trở lại vào tương lai phát triển của các doanh nghiệp trên sàn và cũng nhìn nhận rằng, mức độ giá trên thị trường bây giờ là một mức độ hợp lý, hấp dẫn để có thể đầu tư.

Triển vọng kinh tế toàn cầu và sức bật của thị trường chứng khoán - Ảnh 3.

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol, Anh: Nếu nói về thị trường chứng khoán thì ngoài những yếu tố có thể tác động bao gồm các chính sách vĩ mô, triển vọng kinh tế… thì một yếu tố quan trọng bậc nhất chính là dòng tiền, đây là câu chuyện ở khắp nơi trên thế giới và mỗi một nước thì lại có một trạng thái khác nhau. Việt Nam chúng ta đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất về vĩ mô, bây giờ đang là giai đoạn đi lên, nhưng đi lên nhanh được hay không thì vẫn còn phụ thuộc nhiều biến số, ví dụ như thị trường bất động sản đã có những chính sách hỗ trợ nhưng câu chuyện về trái phiếu vẫn còn những vấn đề phải giải quyết. Thứ hai, ví dụ như câu chuyện ở Mỹ, hiện nay thị trường chứng khoán Mỹ đang được nhận định là quá đắt. Và thứ hai, khi doanh nghiệp công bố lợi nhuận ra thì cũng chỉ đạt được mức như kỳ vọng thôi không đủ để thúc đẩy thêm dòng tiền vào nữa. 

Tuy nhiên, người ta vẫn kì vọng là trong vòng sáu tháng cuối năm, thị trường Mỹ vẫn có thể tăng trưởng bởi vì các quỹ đầu tư hiện nay họ đang giữ tỷ lệ tiền mặt quá cao, có nghĩa là bất kể kinh tế như thế nào, bất kể tình hình ra sao thì họ cũng buộc phải giải ngân. Như vậy, chúng ta đặt lại câu hỏi ở Việt Nam liệu có giống như vậy không? Vừa rồi một lượng tiền đã chảy vào thị trường, cho nên nếu nói chúng ta đang ở trạng thái tiền mặt quá nhiều thì cũng không phải. Nhưng hiện nay, Việt Nam chúng ta đang trở thành một trong những điểm sáng của năm nay về đầu tư, đang là một trong những thị trường tăng trưởng khá mạnh trong quý II, như vậy liệu rằng sẽ thúc đẩy được dòng vốn quốc tế vào và khi mà dòng vốn quốc tế thì thị trường sẽ lạc quan hơn. Một yếu tố quan trọng nữa là lãi suất, khi lãi suất tiết kiệm giảm và những kênh đầu tư khác trong nền kinh tế không quá tốt, lúc đó người ta sẽ nghĩ về chứng khoán nhiều hơn. Tôi kỳ vọng là vĩ mô từ nay đến cuối năm sẽ tương đối ổn định hơn giai đoạn khó khăn đầu năm.

BTV Mùi Khánh Ly: Các nhà đầu tư cũng đã chứng kiến nhiều cổ phiếu hay nhiều nhóm ngành đã tăng giá lên mức cao, thậm chí tăng hơn mức tăng của chỉ số chính. Như vậy thì đến thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư nên đầu tư như thế nào cho phù hợp?

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC): Trong một chu kì bao giờ cũng như vậy, sẽ có những cổ phiếu hay là nhóm ngành nhận được nhiều quan tâm hơn và có những triển vọng khả quan hơn so với thị trường chung, thậm chí đang tăng về vùng đỉnh hoặc là vượt đỉnh của năm ngoái, đó thực ra cũng là những cổ phiếu rất cơ bản như là FPT, VCB hay BID… cho thấy rằng thị trường đang ở một mức độ lành mạnh và phân hóa khá tốt. Vào thời điểm hiện tại, tôi nghĩ là sau một giai đoạn dài thị trường đã tăng trưởng trong vòng khoảng độ tầm 7,8 tháng (trong đó chỉ có một tháng là thị trường giảm tầm 7% liên quan đến sự kiện ngân hàng phá sản ở Mỹ còn sau đó thì liên tục tăng đều. 

Đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư sẽ cần phải có sự thận trọng nhất định trong việc phân bổ dòng vốn của mình, có hai xu hướng nhà đầu tư có thể tham khảo. Thứ nhất, những nhóm ngành cơ bản nhưng chưa tăng giá quá nhiều trong giai đoạn phục hồi vừa rồi, chẳng hạn như nhóm ngành ngân hàng hay nhóm ngành bán lẻ thì sẽ là cơ hội của giai đoạn tiếp theo.

Nhóm ngành thứ hai mà nhà đầu tư có thể quan tâm trong thời gian này là nhóm ngành mà họ có những lợi thế nhất định về chu kỳ kinh doanh so với những ngành khác, cũng như có lợi thế được sự hỗ trợ về mặt chính sách hay về mặt thị trường quốc tế đang thuận lợi, chẳng hạn như ngành dầu khí, hóa chất, phân bón hay là những ngành liên quan đến lương thực, thực phẩm đang có lợi thế khi thời tiết đang theo hiện tượng El Nino. Ngoài ra, những ngành thiên về tài chính, chẳng hạn như ngành chứng khoán khi chúng ta thấy, thanh khoản thị trường đã bắt đầu có những phiên giao dịch trung bình ở mức cao của năm 2022.

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol, Anh: Rõ ràng, đầu tư vào thời điểm hiện nay khó hơn cách đây khoảng một, hai tháng khi mà dòng tiền chưa đổ vào thị trường nhiều và mức tăng của chỉ số cũng chưa lớn. Trong ngắn hạn, tôi vẫn lo ngại việc thị trường tăng trưởng quá mạnh, đã chiết khấu hầu hết các tin tốt và chúng ta đang chuyển sang một trạng thái hơi chủ quan. Còn nhìn về dài hạn thì tôi đánh giá, Việt Nam chúng ta vẫn có rất nhiều triển vọng. Thứ nhất là tỷ lệ người mở tài khoản chứng khoán vẫn chưa nhiều và đây là một triển vọng rất rõ ràng trong đánh giá của hầu hết giới phân tích đầu tư quốc tế mà tôi đi nói chuyện. Họ đánh giá tiềm năng này ở thị trường Việt Nam là rất lớn. Thứ hai, khi thu nhập người dân tăng lên, một phần sẽ được chuyển vào các tài khoản tiết kiệm và gần đây đã có rất nhiều sản phẩm tài khoản tiết kiệm kết nối với chứng khoán, đó là một xu thế sẽ đẩy dòng tiền vào thị trường. Cho nên về dài hạn, những doanh nghiệp tăng trưởng tốt và ổn định, có nền tảng chắc chắn hay những blue chip của thị trường thì tôi cho rằng sẽ vẫn đi lên. Một yếu tố nữa là Việt Nam chúng ta đang là một nền kinh tế được đánh giá cao bởi các nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản nên sẽ là điểm đến của dòng tiền này trong tương lai.

BTV Mùi Khánh Ly: Xin cảm ơn hai ông về những thông tin trên!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước